Mấy người vội vàng kéo con hươu ra ngoài, thân thể nó vẫn còn ấm, lại hơi gầy. Kiểm tra mũi thấy nó không còn thở nữa, có lẽ nó vừa mới chết cách đó không lâu.
Trên người con hươu bị thương, máu chảy rất nhiều, mùi máu rất nồng. Đại Ngưu lấy thuốc bột ra xoa lên người nó để che mùi, sau đó buộc chặt con hươu lại rồi cùng khiêng lên.
Một đám người bước đi thật nhanh, không bao lâu đã trở về sơn động.
Người ở lại trong sơn động thấy bọn họ mang cả một con hươu trở về, tất cả đều vừa mừng vừa sợ, nhưng cũng không dám lãng phí thời gian, nhanh chóng bắt tay vào xử lý thịt hươu.
Lần này vẫn tuân theo lệ cũ, để lại một phần nhỏ để ăn, phần còn lại đều làm thành thịt khô để bảo quản.
Có con vật này ở đây, nguồn thức ăn dự trữ của mọi người càng được đảm bảo hơn!
Ngoại trừ thịt ra, da của con hươu cũng là thứ tốt. Lông của con hươu trong mùa thu dài và mượt, tuy không dày như lông trong mùa đông nhưng cũng là nguyên liệu thượng thừa để làm thuộc da.
Con hươu này là do Đại Ngưu bắt được, thịt được chia cho mọi người cùng ăn, còn da đương nhiên là để lại cho nhà bọn họ.
Cha của Đại Ngưu là một thợ săn già, tay nghề xử lý thuộc da rất tốt.
Trước tiên phải cẩn thận lột da xuống, sau đó phải cạo đi phần thịt thừa và mỡ còn sót lại. Công đoạn này là giao cho Đại Ngưu làm, bản thân hắn thị lực kém, không thể làm kỹ được.
Đợi cạo sạch lông, rửa sạch mấy lần để loại bỏ hết bụi bẩn trên đó. Đáng tiếc, điều kiện ở trong núi có hạn, trước mắt bọn họ cũng chỉ có thể dùng nước sạch để rửa nên phải rửa đi rửa lại nhiều lần mới được.
Sau khi rửa sạch xong là đến công đoạn thuộc da, nếu không qua công đoạn này thì không thể nào biến thành tấm da mềm để dùng.
Cha Đại Ngưu có hai phương pháp thuộc da tổ truyền, một là dùng cỏ cây làm nguyên liệu để đun sôi nước thuộc da, chẳng hạn như vỏ cây thông, v. v... Phương pháp thứ hai là dùng chất dịch não của động vật để thuộc da, hiệu quả tốt hơn so với dùng cỏ cây như vỏ thông hay các loại tương tự.
Vừa vặn lần này lấy được não của con hươu nên hắn liền dùng thứ này để làm mềm da.
Trước tiên hắn nướng da trên lửa cho đến khi khô và cứng một phần, sau đó bôi dịch não lên, xoa xoa nắn nắn bóp bóp.
Sau rất nhiều công sức, quá trình thuộc da đại khái đã hoàn thành, liền tìm một miếng vải bọc tấm da lại để ở trong một góc râm mát trong sơn động mấy ngày, sau đó lấy ra rửa sạch sẽ là có thể dùng được.
Lần này cha Đại Ngưu xử lý cả tấm da hươu cùng với hai tấm da thỏ rừng trước đó. Da hươu có thể dùng làm quần áo chống lạnh ở nhà, hoặc là dùng để làm chăn, còn da thỏ có thể dùng làm giày cho người trong nhà thay đổi.
Trong sơn động bận rộn khí thế ngất trời, tất cả mọi người như tràn đầy năng lượng.
Đúng lúc này, Lý bà tử bỗng nhiên dẫn theo nhi tử mình tới tìm Lưu Nhị Sơn và Tảo Nhi, nói là muốn thương lượng chút chuyện với hai người bọn họ.
Nếu là trước kia, về cơ bản chỉ cần tìm Lưu Nhị Sơn giúp đỡ là được, nhưng từ sau khi Phương Tiên Nhi xuất hiện, Tảo Nhi cũng trở thành một nhân vật vô cùng quan trọng. Hiện tại chuyện quan trọng to to nhỏ nhỏ trong sơn động, mọi người cũng sẽ hỏi ý của nàng ấy một chút.
Mấy người đi tới một chỗ đất trống rồi đứng lại, Lý bà tử thở dài, chậm rãi mở miệng nói: "Nhị Sơn, Tảo Nhi, lão bà tử ta có chuyện muốn nhờ các ngươi giúp đỡ."
"Không phải Nhị Nha nhà ta ở thôn Sa Thổ đó sao? Trước khi chúng ta vào núi, tình huống của bọn họ bên đó còn khá hơn chúng ta, dự trữ rất nhiều lương thực. Con bé còn lén quay về một chuyến, mang một chút đồ ăn cho ta nữa."
Tảo Nhi suy nghĩ một chút: "Đúng rồi, cháu nhớ rõ chuyện này, chúng ta đã ăn túi đồ ăn mà bà đưa cho trên đường."
"Đúng, ta cũng nhớ chuyện này." Lưu Nhị Sơn nói.
Lý bà tử khoát tay: "Vào núi thì đều là người một nhà cả, đừng có nói gì đến chuyện lương thực. Chỉ là đã qua nhiều ngày như vậy rồi, cuộc sống của chúng ta dần dần khá hơn, ta lại bắt đầu lo lắng cho tình hình của Nhị Nha bên kia."