Người nhà quê bái mẹ nuôi, có khi là những cây cổ thụ, có khi là những hòn đá lai lịch không rõ, có khi là cổng miếu trong núi, cũng có khi là pho tượng đá đổ nát trên gò, không gì khác ngoài cầu mong bình an, không bị tà ma quấy nhiễu.
Gia gia từng nói, tấm bia đá này có lai lịch cổ xưa, ắt hẳn linh thiêng, có thể che chở cho Trần Thực, nên mới cho hắn bái làm mẹ nuôi.
Chỉ có điều hai năm nay, mỗi lần Trần Thực quỳ lạy mẹ nuôi, đều chẳng cảm nhận được thứ gì linh thiêng cả.
Bia đá cổ kính, loáng thoáng có thể nhìn thấy vài nét chữ, hình như là chữ "Mỗ", chữ "Chỉ".
Còn những chữ khác đều bị chôn vùi dưới đất, lại thêm rễ cây cổ thụ quấn chằng chịt, không sao đào lên được.
Trần Thực lạy mẹ nuôi xong, lẩm bẩm một mình: "Mẹ nuôi ơi, dạo này gia gia ngày càng kỳ quặc, cứ quay lưng về phía con hoài. Đã mấy ngày rồi con chẳng nhìn thấy mặt gia gia. Gia gia còn lén lút ăn uống gì đó sau lưng con nữa, không biết là đang ăn cái gì... Sáng hôm qua gà nhà mình chết mấy con, không phải do chồn cắn đâu, chồn làm gì dám đến nhà mình ăn trộm..."
Tấm bia đá im lìm không đáp lại.
Nhưng không biết có phải do hoa mắt hay không, Trần Thực như thấy những nét chữ trên bia đá thoáng lóe lên rồi vụt tắt.
Cậu bé cũng chẳng để tâm, lấy mấy nén hương châm lửa, cắm xuống đất trước bia.
Tên thư sinh treo cổ trên cây thấy thế, sốt ruột giãy giụa đạp chân loạn xạ.
"Của ngươi đây này."
Trần Thực lấy thêm một nén hương thắp lên, cắm xuống đất ngay dưới chân hắn ta. Tên thư sinh ngửi thấy mùi hương khói, lộ vẻ mặt say mê ngây ngất.
Trần Thực thư thái duỗi lưng, lười biếng nằm dưới tàng cây, hai tay gối đầu, chẳng mảy may sợ hãi tên thư sinh quỷ treo lơ lửng trên cành. Chẳng biết tự bao giờ, hắn đã có thể nhìn thấy những "người" mà người thường không thể thấy, nên cũng thành quen.
"Gia gia sắp nấu xong bữa trưa rồi, nhưng dạo này, cơm ông nấu ngày một khó nuốt. Hôm qua gia gia làm gà còn sống nhăn, bưng lên toàn là máu. Mẹ nuôi, con thấy gia gia có gì đó lạ lắm, cứ như muốn ăn thịt con vậy."
Trần Thực ngậm một cọng cỏ, ánh mắt xuất thần, mang một vẻ chững chạc không hợp tuổi, khẽ nói: "Đêm qua gia gia lại sắc thuốc cho con, bảo con ngâm mình trong thùng, nhưng lửa quá lớn, nước sôi sùng sục. Con nghĩ gia gia muốn luộc chín con..."
Một lúc sau, tên thư sinh quỷ treo trên cây hít xong một nén nhang, duỗi lưng, nói: "Ta xong rồi. Tiểu Thập, ngươi hỏi đi."
—— Tiểu Thập là tên ở nhà của Trần Thực, dân làng còn gọi hắn là Tiểu Thành Thực, tuy rằng thường là mỉa mai.
Trần Thực gạt bỏ những suy tư miên man, lấy ra một quyển sách cổ, vừa đọc vừa hỏi: "Đoạn này ta vẫn chưa hiểu lắm, Tử viết: Thủy tác dũng giả, kỳ vô hậu hồ? Nên hiểu thế nào?"
Hoàng Pha thôn nằm ở nơi hẻo lánh, không có trường lớp, nhà họ Trần lại nghèo, Trần Thực chẳng có nơi nào đọc sách, may thay trên cây lại có một tên treo cổ là kẻ đọc sách. Vậy nên Trần Thực bèn lôi mấy cuốn sách cổ ở nhà ra, lúc rảnh rỗi lại đến gốc liễu, xin tên thư sinh kia chỉ giáo.
Thư sinh quỷ hít đủ hương khói, sẽ giải đáp nghi hoặc cho hắn, vậy nên Trần Thực dù mới mười mấy tuổi, đã đọc đủ loại sách vở.
"Câu này ý là, Phu Tử nói, kẻ đầu tiên đắc tội với ta, đã bị ta đánh cho tuyệt tự tuyệt tôn rồi."
Thư sinh quỷ giải thích: "Phu Tử muốn dạy chúng ta, làm việc phải dứt khoát, nhất là với những kẻ dám đắc tội với mình."
Trần Thực ngơ ngác gật đầu, đọc từng chữ từng câu, lại hỏi: "Vậy câu 'Ký lai chi, tắc an chi' thì sao?"
"Kẻ thù đã đến rồi, thì đừng để chúng đi nữa, chôn cất tại đây luôn."
"Thế còn câu 'Tử tại Xuyên thượng viết: Thệ giả như tư phu, bất xả trú dạ' thì giải thích thế nào?"
"Phu Tử đứng bên sông nói: Kẻ nào lợi hại thật sự, nên như ta đứng bên sông, nhìn xác lũ cừu địch trôi theo dòng nước, bất kể ngày đêm. Phu Tử quả là lợi hại, giết đến nỗi xác quân thù trôi kín cả mặt sông. Bọn ta là kẻ đọc sách, phải học tập Phu Tử nhiều hơn nữa."...
Trần Thực hỏi hết những chỗ chưa hiểu, thư sinh quỷ đều đối đáp trôi chảy, khiến thiếu niên vô cùng bội phục, ngẩng đầu nói: "Lớn lên ta cũng muốn như Phu Tử, lấy đức phục người! À mà Chu tú tài, ngươi tài cao bát đấu học phú ngũ xa, sao lại treo cổ ở đây?"