Chương 43

Diễn Trò

Đông Nhật Anh Đào 16-11-2023 16:43:03

Cậu Tư cúi đầu nhìn mới phát hiện vạt áo trước đã thấm đẫm mồ hôi, vậy là anh cũng cười rộ lên, hơi ngượng ngùng: "Anh còn bảo sao." Trà mát được đưa tới, Cận Tiêu thấy cậu Tư uống cạn chén trà nên lại đưa cho anh, trong mắt đầy vẻ tự trách: "Do em không để ý, nghỉ một lát rồi em với cậu đi thay áo mỏng hơn." Cô như vậy khiến cậu Tư nhớ thời mình mới đi học vào năm tám, chín tuổi. Trời nhập Đông, những đứa trẻ khác trong nhà đều có mẹ chăm sóc, thấy trở trời sẽ đổi thành giày vải bông, chỉ có anh không biết vẫn đi giày da tới trường. Mùa Đông ở thành Tín Châu tới rất nhanh, hôm trước trời còn ấm áp, chỉ một ngày sau đã đóng băng khắp chốn. Anh ngồi run rẩy trong phòng học rồi mới biết rằng nếu gan bàn chân lạnh, cái lạnh sẽ ngấm vào tim, cả người cứng ngắc, cùng với đó là đau đầu không thôi. Về sau anh đọc "Chân ta cứng đờ không động đậy được, a hoàn lấy nước ấm cho ngâm chân tay, ủ trong chăn rất lâu người mới ấm lại được." (1) mà thấy đồng cảm vô cùng. Mỗi bài học cuộc sống của anh đều được đúc kết từ những lần vấp ngã, chưa từng có người dặn dò anh điều gì. Vì vậy anh hai mươi tuổi cho là mình lo liệu được chu toàn, sự thật là vẫn không để ý tới mùa nào, mặc áo sơ mi ra sao cho phù hợp. (1) Câu này được trích từ cuốn "Tống Đông Dương Mã Sinh Tự" của tác giả Tống Liêm thời nhà Minh. Trong sách này, tác giả tự thuật lại quá trình chịu khó, chịu khổ, khiêm tốn xin chỉ bảo trong quá trình học tập của mình. Tác giả mô tả rất sinh động, từ khó khăn mượn sách cầu thầy tới nỗi khổ đói rét khi bôn ba, thêm vào đó là so sánh với những học sinh có điều kiện hơn người, cuối cùng đưa ra kết luận đanh thép rằng việc học có được thành tựu hay không là nhờ vào cố gắng chủ quan, không nằm ở tư chất cao thấp và các ưu/khuyết điểm. Khi còn nhỏ bị lạnh tới phát đau, trong lòng cũng có đôi chút chờ mong, hy vọng nhóm người làm sẽ nhớ tới mà đưa cho anh một đôi giày vải bông. Có điều người làm thì vẫn chỉ là người làm, chắc chắn sẽ không lo nghĩ cho anh. Bây giờ lại có người nhớ tới chuyện này. Rõ ràng ngày thường cô không thích ra ngoài, lúc này lại huy động người đến đây, chăm sóc tới cả anh lính cấp thấp nhất, để người làm trưởng quan như anh được nở mày nở mặt. Anh rũ mắt, thoạt nhìn có vẻ rất nặng nề. Cận Tiêu nhìn vào mắt cậu Tư, nói thầm với anh: "Cậu tới chỉ huy diễn tập, nhìn xuống đất làm gì?" Cậu Tư ngẩng lên, ánh mắt của Cận Tiêu vừa có ý hỏi, lại vừa có chút lo lắng. Có lẽ cô chưa từng tới quân bộ bao giờ, cũng cảm thấy đây là một trận chiến lớn, không muốn anh chùn bước. Đương nhiên anh sẽ không để mất mặt, những chuyện này càng không phải trận chiến lớn gì với anh. Ấy vậy mà cậu Tư chợt muốn thể hiện mình, để vợ anh biết anh là một đốc quân rất ra dáng. Lòng hiếu thắng trong anh trỗi dậy, tuy không muốn để lộ trước mặt cấp dưới của cha, nhưng lại muốn cho cô xem. Cận Tiêu còn chưa chờ được câu trả lời của cậu Tư, anh đã bất ngờ cầm mũ đứng lên. Cận Tiêu sửng sốt vô cùng, cô ngẩng nhìn lên với vẻ mờ mịt, thậm chí còn cho là mình nói sai. Cậu Tư lại cúi đầu cười với cô, sau đó dùng một tay gạt chiếc bàn trước mặt ra, đứng phía trước sân tập. Anh đi về phía trước, những quan chức xung quanh cũng đứng lên, Cận Tiêu thấy vậy cũng chỉ có thể đứng dậy theo. Nhóm lính phía trước đang đi đều theo khẩu lệnh của chỉ huy, đất vàng dưới chân họ cuốn lên theo nhịp bước. Đó là quang cảnh cô chưa từng được thấy, vừa rồi lơ đãng không để ý, lúc này thấy rồi mới giật mình. Cậu Tư vung tay, chỉ huy lập từng ngừng khẩu lệnh, toàn bộ sân tập lặng ngắt như tờ, ánh mắt của nhóm lính đều đổ dồn về phía anh. Cận Tiêu nghiêng đầu nhìn từng gương mặt trẻ tuổi từ hàng ngoài cùng bên trái. Từ trước đến nay, cô thường xem mặt đoán ý, giờ tự nhiên cũng thấy được vẻ kính trọng trưởng quan trong mắt bọn họ, vậy là lòng cô cũng chợt nao nao. Lúc giọng của cậu Tư vang lên giữa sân tập, Cận Tiêu bất giác nín thở. Giọng của anh không hề giống ngày thường, không rõ đây là anh, hay là một người đầy uy nghiêm, hà khắc, không mang chút cảm xúc nào khác. Cậu Tư hô khẩu lệnh, ngay sau đó tiếng ủng chiến đấu của các chiến sĩ đồng loạt giậm xuống đất, khơi lên hăng hái không tên trong lòng người nghe. Anh đứng chắp tay phía trước, Cận Tiêu thấy được sườn mặt rắn rỏi của anh, mà không phải vẻ ôn hòa hay hi ha ngày thường. Cận Tiêu đánh mắt nhìn vẻ thưởng thức và tán dương của các quan chức bên cạnh, từ đó đoán chắc cậu Tư đang làm rất tốt. Quả anh làm rất tốt, hơn nữa còn giúp Cận Tiêu xác thực được rằng, chồng cô là một người lính. Ủng chiến đấu trên chân anh từng giẫm lên xác người, tay dày vết chai do súng ống mài nên. Anh có khả năng khiến binh lính phương Bắc phục tùng, vậy những việc từng làm trước đó chắc hẳn không chỉ để thanh trừ người cũ, mà còn là răn đe, cảnh cáo. Nghe nói cậu Tư ở chính quyền tỉnh đến năm thứ hai thì bị cậu Ba phái tới chiến trường, sau đó lại trở về, nhưng không ai rõ những năm ấy đã xảy ra chuyện gì. Thật ra cô từng nghe được rất nhiều phiên bản, có chuyện là người khác kể, có chuyện là truyền thuyết khắp đầu đường cuối ngõ, nhưng chính cô lại chưa từng nghĩ đến việc tìm hiểu sâu hơn. Cận Tiêu nhíu mày, cô thật sự không biết gì cả. Không biết anh đã lớn lên thế nào khi không mẹ, cũng không biết anh từ trấn thủ sử lên làm đốc quân ra sao. Cho tới giờ cô chỉ suy đoán, luôn là suy đoán mà thôi. Rõ ràng đã rất gần gũi, nhưng lại chỉ là đoán. Cận Tiêu thở dài một hơi, chồng cô đứng trước biển cát cuộn trào, không rõ từ lúc nào những người lính trên sân tập đã hát vang quốc ca (2), để rồi cô và những quan chức bên cạnh cũng nghiêm trang cùng hòa giọng. Mây lành xán lạn, quanh co thong thả. Trăng trời rực rỡ, ngày lại qua ngày. Mặt trời sáng rõ, ánh sao soi tỏ. Trăng trời rực rỡ, một người vĩ đại. Trăng trời không rời, sao sáng có ngôi. Bốn mùa xoay vần, trăm họ đồng lòng. Diễn tấu hài hòa, sánh cùng trời đất. Nhường cho người tài, ai nấy đều theo. Tiếng trống vang lên, vũ khúc bắt đầu. Tinh hoa đã kiệt, xiêm áo đổi thay. (2) Quốc ca được nhắc đến ở đây là bài Khanh Vân Ca, hai bài quốc ca lịch sử của Trung Hoa Dân quốc. Phiên bản thứ nhất được sáng tác bởi Joam Hautstone, nhạc sĩ Pháp sống tại Bắc Kinh, được sử dụng từ 1913 tới 1915 là quốc ca tạm thời. Phiên bản thứ 2 được sáng tác bởi Tiêu Hữu Mai, được sử dụng từ 1921 tới 1928 là bản quốc ca chính thức. Lời bài hát được dựa theo Kinh thư (Thượng Thư Đại Truyện) viết bởi Phù Sinh từ 200–100 TCN. Cậu Tư đột nhiên quay đầu nhìn cô trong tiếng ca này, ánh mắt của anh sâu xa, không để cô biết anh đang nhìn mình, hay đang nhìn lá cờ đầu trên đài duyệt binh. Bóng vành mũ của anh phủ xuống mặt, dù là mặt mày hay khí thế đều thật đỉnh cấp. Vậy mà mũi Cận Tiêu bỗng cay cay. Sau khi từ sân tập trở về tòa nhà làm việc nhỏ của anh, Cận Tiêu không nói lời nào. Cậu Tư chỉ cho cô đâu là hậu cần, đâu là nơi để súng, cô cũng chỉ gật đầu nhẹ, cuối cùng anh đành trầm mặc, đưa cô lên lầu. Vào đến phòng làm việc của anh, Cận Tiêu lập tức lấy áo đã chuẩn bị sẵn trong túi ra. Cô xoay người, đặt đồ lên bàn, cậu Tư nhìn bóng lưng cô lại thấy cổ họng chan chát. Hai người họ im lặng một lúc, sau đó cậu Tư bất ngờ lên tiếng: "Có phải em không thích nơi này không?" Với tính cách của cô, có lẽ sẽ thích nơi yên tĩnh, thích đọc sách, hận quân đội, hận binh lính, muốn đánh bại quân phiệt và khao khát tự do dân chủ như những nữ sinh ở trường học kia. Lúc trước anh thường bất giác so sánh mình với Liễu Ngạn Chi. Người kia là phần tử trí thức, người kia còn tham gia chiến dịch của học sinh. Anh vừa xem thường, cảm thấy anh ta quá hèn yếu và ngây thơ, lại vừa cảm thấy Cận Tiêu nên thích loại người ấy. Có chăng cô không hề thích dáng vẻ mang theo chờ mong, muốn cho cô nhìn thấy vừa rồi của anh? Anh nắm tay thành quyền, trong lòng chợt chua xót. Dù cô có thích hay không, anh vẫn là như vậy. Anh đã nỗ lực rất nhiều năm, khó lắm mới gặp được cô, anh chính là như vậy rồi. Thời thế tạo người. Cận Tiêu cầm áo sơ mi rồi xoay người lại, vẫn không trả lời anh. Cô đưa tay toan cởi cúc áo giúp anh, vừa nhíu mày nói: "Thay áo sơ mi đi." Ngón tay của cô chạm tới cổ áo lại bị cậu Tư giữ chặt, anh cúi đầu muốn nghe cô trả lời bằng được, giọng hỏi vô cùng cố chấp: "Có phải em không thích không?" Anh không thấy rõ vẻ mặt của Cận Tiêu, đang định nâng cằm của cô lên, Cận Tiêu lại tự ngẩng đầu. Ánh mắt của cậu Tư đong đầy kiếm tìm cấp bách, nhưng cảm xúc trong mắt cô lại khiến anh ngây ngẩn. Đôi mắt kia hoen đỏ, cô hít vào một hơi, giọng run run như không nhịn được nữa: "Em chỉ thấy..." Cô rũ mắt, cố đè nén cảm giác ngột ngạt kia: "Lúc trước cậu luôn phải vờ làm cậu chủ quần là áo lượt, lại không được người nhà giúp đỡ như anh cả và anh ba." Giọng cô nhỏ dần, có lẽ vì thấy mình không nên nhiều lời. Hôm nay cô thấy rất áy náy, sau cùng vẫn nói với anh: "Những năm này, cậu đã khổ nhiều rồi." Cậu Tư nắm tay cô đột nhiên thoát lực. Tới lúc lấy lại tinh thần, anh đã kéo cô lại gần, cất giọng dịu dàng tới không tưởng: "Cũng không khổ đến vậy." Cô ngước nhìn, nước mắt tràn mi được cậu Tư lau đi. Anh vừa nhẹ giọng dỗ dành cô, vừa như an ủi bản thân của rất nhiều năm trước. "Cũng không khổ đến vậy." Cởi áo sơ mi ra, bên trong quả đã đẫm mồ hôi, Cận Tiêu cầm khăn nhúng nước ấm lau cho anh rồi nhăn mày: "May mà không nổi rôm." Cậu Tư muốn trêu cô, anh chỉ vào ngực mình: "Có mồ hôi càng đàn ông hơn nhỉ?" Cận Tiêu mặc kệ, chỉ vừa thay sơ mi mới cho anh vừa dặn: "Em mang thêm mấy áo nữa, để trong phòng làm việc đi, về sau trời nóng phải thường xuyên thay áo thoáng mát." Anh không có hầu gái bên cạnh, chỉ có Cận Tiêu thường cài cúc áo cho anh vào mỗi sáng sớm, không rõ lần cuối có người giúp anh mặc sơ mi là lúc nào nữa. Vậy là cậu Tư cười rộ lên, sau đó lại chớp mắt: "Trước kia anh ba nói với anh, lấy vợ không hẳn là sẽ yên ổn." Anh nhớ tới điều gì đó, nụ cười trên môi càng tươi hơn: "Có lẽ vì anh ấy không lấy được vợ như anh." Chỉ vì khen mình mà anh mang cả anh ba ra, Cận Tiêu bình tĩnh không đáp lại, chỉ kiễng lên xem phía sau cổ anh có bị cháy nắng không. Cô chủ động thân mật như vậy khiến cậu Tư trộm nín thở, nhưng chỉ mấy giây sau, hơi thở trên người cô lại dần rời xa. Cận Tiêu đứng thẳng lại, cài áo sơ mi cho anh, hai đầu lông mày không mảy may gợn sóng: "Sao em dám so với chị ba." Nhan Trưng Nam đã có phủ đệ của mình từ sớm, bởi vậy cô cũng không có nhiều cơ hội giáp mặt với chị ba. Hơn nữa tiếng tăm của mợ Ba như vậy, Cận Tiêu có cảm giác cô ấy là kiểu cô chủ danh gia, bản thân không dám so bì. Cậu Tư lại lắc đầu mạnh: "Em không biết đâu..." Anh chậc một tiếng: "Nếu anh gặp em muộn một chút, sẽ không dám lấy vợ nữa." Lời này của cậu Tư thật kỳ lạ. Hai người họ mới quen chưa tới một năm, cậu Ba lại kết hôn nhiều năm rồi. Cận Tiêu sửa cổ áo cho anh rồi nói: "Đâu có đáng sợ đến mức đó." Cô lại nghiêng người lấy mũ cho anh: "Trưa phải ăn cơm với bọn họ đúng không? Đừng lần lữa nữa." Hai người cùng ra ngoài, cậu Tư nhường cô đi dưới bóng râm. Cây hòe tươi tốt nơi góc tường tỏa bóng xanh rì, dây thường xuân bò kín tường, tâm trạng của Cận Tiêu cũng tốt hơn, cô nghiêng mặt, cười nhẹ nhàng: "Mà, đây là lần đầu tiên em nghe nhiều người hát quốc ca như vậy đấy." Cậu Tư nắm lấy tay cô, thấy cô không giận mình vì chuyện áo sơ mi nữa, cũng cúi đầu cười nói: "Lúc trước chưa nghe à?" Cận Tiêu nhớ lại: "Lúc trước tới đại học Tín Châu nghe bọn họ hát giáo ca cũng rất hay." Tiếng ve vọng ra từ tàng cây, các anh lính đều đã tới nhà ăn, lúc này đây chỉ còn lại hai người họ. Cậu Tư vừa đi vừa hát: "Mặt hồ như gương dựa chân núi, sông lớn tựa bình phong, xinh đẹp tụ nơi đây." Cận Tiêu quay sang, mặt mày cũng dần giãn ra: "Thì ra là vậy." Ánh mắt cô mang ý đùa: "Thì ra cậu trị quân bằng âm nhạc." Cậu Tư đang muốn đáp lại cô thì đã tới chỗ ngoặt. Anh vừa định bước lên, đã nghe tiếng mấy người lính từ tường bên vọng sang: "Thư ký Thiệu, anh thấy mợ chủ của chúng ta đẹp, hay Cố Yên Nhiên đẹp?" Mặt cậu Tư chợt đổi sắc, anh muốn nói cũng đã không kịp nữa. Giọng ngọt xớt của Thiệu Tử Văn vang lên: "Đương nhiên là mợ chủ rất đẹp, nhưng cậu không thấy lần trước Cố Yên Nhiên tới quân bộ à? Tôi thì thấy rồi, đẹp như vậy, khó trách bao người mê xem kịch."