Nhan Trưng Bắc dõi theo từng bước hướng ra cửa của cô bé. Anh cho là ít nhất cô sẽ quay đầu nhìn lại, nhưng không, cô cứ đi thẳng ra ngoài.
Thế này quả là như anh tự đa tình.
Anh không nhìn nữa, người đàn bà trung niên cạnh giường cứ dò xét mãi, ánh mắt bà ấy bỗng hơi do dự.
Biểu cảm kia có thương hại, cũng có cả đấu tranh. Có chăng bà ấy đang trù trừ giữa nhân tính và lương tri? Cũng phải, đương nhiên là sẽ trù trừ rồi, trù trừ xem có để anh chết như vậy hay không.
Anh không muốn chết, khó lắm mới có một cô bé đi qua, còn tốt bụng mang nước và đồ ăn tới, giúp anh sống qua ngày hè oi bức, dài đằng đẵng này. Con người khát khao sự sống thường vì đã chịu đau chịu khổ, luôn cảm thấy phải được bù đắp thua thiệt trước đó mới xứng đáng.
Anh phải giả vờ đáng thương, cậy nhờ đồng cảm từ người này sao? Hoặc chẳng cần giả vờ, anh cũng đã mất thể diện lắm rồi. Lúc này đây rơi vài giọt nước mắt, ấp úng khẩn cầu vài câu có lẽ cũng là nước đẩy thuyền trôi.
Nhưng lòng tự trọng vẫn còn đó, chính chúng vực anh sống tiếp, và cũng chính chúng khiến anh đâm đầu vào đường chết. Anh giương mắt nhìn nông phụ kia bằng ánh mắt tỉnh táo, lạnh băng.
Bà ta mặc đồ vải thô, khuôn mặt in hằn sương sớm gió chiều. Nếu người khác nhìn, sẽ nghĩ đây là người đàn bà thôn quê trung thực, có điều cậu Tư chỉ thấy những ngoan độc và máu lạnh.
Người này đã ném anh ở đây hai ngày, hôm nay đến ắt để xem người đã chết hay chưa. Việc này cũng như đầu bếp cho tôm sống vào nồi, lát sau mở nắp ra kiểm tra xem tôm đã chín hay chưa.
Nếu chưa chín, vậy vặn lửa lớn hơn và đun thêm chút nữa thôi.
Người đàn bà này định bóp chết anh, hay tiếp tục không cho cơm cho nước, để anh chết dần chết mòn trong căn nhà này?
Cậu Tư bỗng muốn cười, nhưng vẻ khinh miệt trên mặt anh cũng không lộ ra nổi. Người này làm đao phủ của bà cả có thể kiếm được vài đồng. Cái mạng của anh liệu có khiến bà ta thoát kiếp nông, phất lên như diều gặp gió?
Nếu giết được, cũng chỉ được một túi vàng thỏi hoặc một lời hứa hẹn mà thôi.
Càng nghĩ vậy, anh càng không muốn mở miệng cầu xin. Dù sao anh cũng là cậu Tư trong phủ tư lệnh, từ nhỏ đã trọng khí phách hơn mạng.
Không nam tử hán nào cầu xin một nông phụ trước khi chết, anh nghĩ.
Có phải van nài cầu sinh, cũng không thể vứt bỏ mặt mũi của gia đình quân nhân thế phiệt.
Chút cương nghị trên mặt cậu Tư đã bị thủy đậu che lấp, nhưng nông phụ kia vẫn nhìn ra được, thậm chí còn động lòng trắc ẩn.
Thím Ngô cầm bát Cận Tiêu để cạnh đó lên. Vừa rồi đứa bé kia để lại chiếc bát này mà không nói gì thêm, thím Ngô cũng không bảo cô mang đi, đó đã như một loại thỏa hiệp không lời rồi.
Bà ta hít sâu, mắt mở lớn hơn chút nữa. Đây là hành động khích lệ bản thân thật nhưng lại hơi dữ tợn, như thể đang đưa ra quyết định tàn độc khác. Thím Ngô múc một thìa cháo, cháo vẫn còn ấm, có điều để thêm một lúc nữa ắt sẽ lạnh ngay thôi. Bà ta dùng ngón cái thô ráp niết xuôi theo thân bát, sau đó cũng hạ quyết tâm đưa thìa cháo nặng trĩu kia ra, mở miệng đắng chát: "Lúc đầu tưởng cháu bị bệnh lây nhiễm gì, ta cũng không dám đến."
Cháo được đưa đến bên miệng, ánh mắt cậu Tư lóe lên, cuối cùng vẫn dịu xuống, há miệng. Thím Ngô nhìn anh nuốt đầy khó nhọc thì thở dài, bà ta tự thấy đuối lý nên không dám đối diện với anh, chỉ nhìn tạp dề đã bạc màu của mình: "Cháu đừng hận ta, ta cũng sợ."
Bà ta chỉ là một người đàn bà trong xó nhà, thậm chí còn chưa bước chân ra khỏi thôn này. Từ trước tới nay, thím Ngô luôn dựa hơi họ hàng làm bà lớn ở phương xa, hàng năm được hưởng chút ân huệ, vài tấm vải vóc để may bộ quần áo mới cho trẻ con, sĩ hão với trong thôn đã là vui rồi.
Tháng ngày nghèo khó trôi qua chưa bao lâu, đối mặt với mầm tai vạ, bà ta chỉ có thể chết lặng làm chó săn cho người khác. Mỗi một người cha, người mẹ dìu già dắt trẻ đều thật hèn nhát. Có uất ức hay phải làm trái lương tâm cũng đành ngậm đắng nuốt cay, âu cũng vì chạy vạy cho gia đình, vì lũ trẻ chưa đủ lông đủ cánh.
Phải chăng có con rồi sẽ trở thành kẻ không có tiền đồ nhất, nhát gan nhất, sợ phiền phức nhất?
Bà ta không thể nói những lý lẽ này thành lời, thay vào đó là nở nụ cười hèn mọn: "Ôi, nếu là thủy đậu thì còn đỡ, còn đỡ."
Thím Ngô nhìn người anh, sau cùng tình mẹ chiến thắng sợ hãi, bà ta thở dài chân thành: "Cha mẹ phải nhẫn tâm đến mức nào, mới không cần cháu nữa?"
Trong thôn này, đâu chỉ có mình cha mẹ Nhan Trưng Bắc nhẫn tâm, thế nhưng anh làm thế nào cũng không gặp được người kia.
Anh đã hạ sốt, lại có ba bữa cơm tiếp tế, tuy chỉ là cháo, cùng lắm thêm chút dưa muối nhưng cũng đủ để lại người.
Thủy đậu trên mặt đã lặn dần, dù còn lại dấu tích nhưng không gớm ghiếc như trước nữa.
Đôi lúc thím Ngô sẽ cho anh ra ngoài một chút, gặp người khác sẽ nói là cháu mình. Những người thấy anh được đưa tới đây cũng không nói toạc ra, chỉ gọi "Dương Dương" theo.
Anh thầm nghĩ cái tên quái quỷ gì không biết. Thỉnh thoảng con trai út của thím Ngô chạy theo gọi "Dương Dương", anh sẽ giả vờ không nghe thấy, hoặc thật sự không kịp nhận ra.
Mấy cậu nhóc nhà thím Ngô nghịch ngợm thật, nhưng cũng khá hiền lành.
Chúng đều tò mò khi nghe nói có người ở nhà lều. Mẹ không cho chúng quậy loạn, vậy là thỉnh thoảng mấy đứa lại kiễng chân, nhìn trộm qua khung cửa sổ nhỏ.
Cậu Tư thấy mấy cái đầu nhỏ chen chúc ngó nghiêng, cứ như anh là động vật lạ từ thôn bên cạnh đưa tới, phải tranh thủ ngắm kĩ chút. Ngoài mặt lạnh tanh là vậy, nhưng khung cửa sổ ấy vẫn khiến anh nhớ đến cô bé kia.
Em ấy không đến thật, cũng chẳng lo mình cứ chết đi như vậy.
Thật nhẫn tâm.
Cậu Tư ngậm rơm, bản thân lại tự buộc chặt quan hệ giữa mình và cô bé kia như vậy đấy. Không đến thăm tức là nhẫn tâm, chỉ đưa cơm một lần nghĩa là tuyệt tình, cứ như cứu anh sẽ phải đối đầu với gánh nặng siêu phiền phức vậy.
Anh nghĩ vậy rồi tự buồn cười, sau lại thấy mình như mấy cô chiêu chưa chồng trong hí kịch, vừa nhận được một bài thơ đã nghĩ đông nghĩ tây.
Bản thân anh trưởng thành từ sớm, đâu nên ngày ngày nhớ tới một cô bé như vậy. Thế nhưng anh cũng thấy mình rất đơn thuần, không hề có suy nghĩa kia.
Có thế nào cũng nên cho anh cơ hội đền ơn trả nghĩa, "ăn quả trả vàng" đến nơi đến chốn chứ, phải không?
Vậy mà cho đến khi gần khỏi hẳn, anh vẫn không gặp được cô.
Nếu đã khỏe lên rồi, vậy không thể ăn không ngồi rồi được nữa. Cậu Tư cũng được coi như cậu chủ nhỏ ăn sung mặc sướng, lại chưa từng học thói hỗn xược, bóc lột người khác của mấy cậu ấm ăn chơi. Anh chưa chặt củi bao giờ, nhưng vẫn theo chồng thím Ngô lên núi nhặt củi khô mấy lần.
Anh không biết củi khô lại quan trọng với đời sống nông thôn như vậy, sinh hoạt thường ngày đều cần đến chúng. Chất đốt là thứ thiết yếu nhất với một nhà ba người, con trai thím Ngô hiếu động, chơi ở ngoài thấy người khác cho củi khô vào nhóm lửa, về nhà cũng ranh mãnh thó mất.
Không bột đố gột nên hồ, có gạo mà không có lửa thì nên cơm cháo gì? Thím Ngô sai anh sang mượn dao bổ củi của một chú ở đầu thôn. Trên đường đi, anh bỗng thấy mấy cành củi nhỏ.
Chắc chắn cậu Tư nhà họ Nhan sẽ đá bay mấy cành củi nhỏ này, nhưng cháu trai họ xa ăn nhờ ở đậu ở nhà thím Ngô thì không thể. Cậu Tư nhanh tay nhặt chúng lên, vừa định nhét vào túi thì thấy một bàn tay khác chậm hơn mình đôi chút.
Anh ngẩng đầu, là cô bé kia.
Chính anh cũng không biết mình chợt cười rộ lên. Từ lúc đến thôn này, anh chưa từng nói cười tùy tiện. Thím Ngô đưa đồ ăn, anh chỉ cảm ơn. Bọn nhỏ quậy phá, anh cũng phớt lờ cực kỳ chín chắn, mấy đứa bé hết trò vui sẽ không quấy rầy tiếp nữa.
Anh không còn coi mình là cậu chủ, nhưng giai cấp là thứ ăn sâu vào máu găm chặt vào tim. Anh không phải cậu Ba, không thể hòa đồng, bình dị được.
Vậy là lúc này đây cậu Tư không kiềm được nụ cười của mình, đôi mắt kia ngập tràn mừng rỡ, lời nói càng không đầu không đuôi: "Ơ, là em đấy à?"
Trên mặt không còn nốt thủy đậu, người lại mặc quần áo vải thô, Cận Tiêu phải nhìn một lúc lâu mới nhận ra anh. Ấy thế mà cô chẳng hề kích động, chỉ nghĩ thì ra người này vẫn chưa chết.
Cô gật khẽ, "vâng" một câu rồi liếc nhìn cành củi nhỏ trong tay anh.
Cậu Tư nhìn theo, chợt nhớ vừa rồi cô cũng muốn nhặt nên xòe tay, nở nụ cười lấy lòng: "À đây, cho em này."
Cận Tiêu lắc đầu, củi nhóm trong nhà cô vẫn đủ, không cần mấy cành củi nhỏ này. Cô không muốn chơi với lũ con trai, bởi con trai luôn nghịch ngợm, bẩn thỉu, lại ầm ĩ.
Vì có ơn cứu mạng, cậu Tư coi cô là người gần gũi nhất với mình. Nhưng với Cận Tiêu, anh còn sống không có nghĩa là trở thành người bạn quan trọng tới mức nào đó của cô.
Cô không thích kết bạn với đám con trai trong thôn.
Cận Tiêu xoay người, toan trở về nhà. Cậu Tư đi theo, vừa theo vừa nhớ lại nhóm nam sinh ở trường lấy lòng con gái thế nào. Con gái ở độ tuổi nào cũng giống nhau thôi nhỉ, vậy là anh hỏi theo bọn họ: "Nhà em ở đâu? Anh đưa em về."
Anh hỏi chân thành, Cận Tiêu lại không thèm để ý, chỉ im lặng bước về phía trước. Cậu Tư không nhịn được hỏi tiếp: "Sao về sau em không đến thăm anh nữa?"
Cô không trả lời, anh lại nghĩ nhiều: "Hay là em bị ốm?"
Từ thời cha sinh mẹ đẻ tới giờ, cậu Tư luôn rất tuấn tú, càng chưa gần gũi với con gái bao giờ. Lúc mặt mày thoáng vẻ niên thiếu hào hùng, cũng từng có ai kia tặng anh sóng mắt dạt dào.
Chỉ tiếc sau lần mắc thủy đậu này, anh đã đánh mất ưu thế quan trọng nhất kia.
Cận Tiêu liếc cũng không thèm liếc, anh tự hỏi tự nghe mãi, lúc sau chỉ đi theo cô mà không nói.
Đi theo quả là mất mặt, nhưng đâu còn cách nào khác đâu? Nào đã có người dạy anh cách xử lý khi bị con gái làm ngơ.
Thỉnh thoảng chị hai cũng vênh váo tự đắc, không muốn nói chuyện cùng, Nhan Trưng Bắc cũng không kém cạnh, cứ phớt lờ chị ta là xong.
Lúc này bị người mình mong mỏi mỗi ngày làm ngơ, thậm chí không thể trở thành bạn bè gần gũi như dự đoán, cậu Tư không khỏi ủ rũ, cụp đuôi.
Cận Tiêu đã về đến nhà, đưa tay kéo cửa sắt.
Mắt cậu Tư sáng lên, lại không nhịn được: "Ơ, nhà em ở đây à?"
Lúc này, đáp lại anh là tiếng sập cửa cái "rầm".
Cậu Tư sờ mũi, thất vọng cực kỳ. Anh đang ở cái tuổi kiêu ngạo mỗi ngày, chưa từng sốt sắng với một ai, càng chưa bị người ta bỏ mặc như thế bao giờ. Có là người trong nhà cũng sẽ chiêu trò ra vẻ, để lại cho anh chút thể diện cậu chủ.
Nhà Cận Tiêu chỉ cách chỗ anh một cái ao, vậy mà lâu như thế rồi, anh cũng không trông thấy cô.
Anh vừa thất vọng, vừa hơi giận, đành tự nhủ rằng người ta đã không coi mình ra gì, sao phải ân cần để bị hờ hững. Anh nổi tính cậu chủ, nghĩ bụng mình mà được về nhà, sẽ quăng cho cô bé kia mấy rương vàng, để em ấy thấy cậu chủ này oai đến mức nào.
Tất nhiên, đến lúc đó em ấy mà dính vào như sam, anh phải "vênh" lên mới được.
Nhan Trưng Bắc ra sức tưởng tượng cách vớt vát mặt mũi cho mình, thậm chí còn tính kĩ sẽ nhìn thế nào, nói ra sao để vừa đẹp mặt, vừa thể hiện rằng hôm nay mình bực lắm nhưng vẫn có ơn tất báo.
Anh vừa nghĩ vừa thấy hả giận, trong lòng cũng khoan khoái hơn, cho đến khi chợt nhận ra...
Trước khi cha về nhà, sẽ không có ai đến đón anh.