Seattle – Mỹ, năm 1995.
Khương Nhiên khoác túi vải bố trên vai, chạy vội dọc theo cầu thang. Vì động tác của cô mà quai túi đứt phựt, rơi trên mặt đất. Cô cũng không để ý được nhiều, chỉ tiện tay nhăn lên, sau đó ôm túi mà chạy.
Khoảng 10 giờ, cô có buổi hẹn với cố vấn chuyên môn để xin tư vấn về việc thôi học. Cô không muốn đến muộn, càng không muốn để họ thấy mình là người vô lễ.
May mắn không đến muộn, Khương Nhiên thở phào một hơi, sau đó gõ cửa, thấy đối phương bảo mình vào.
Nữ giáo sư bên trong là người Châu Á, vì cùng thuộc các trường đại học khai phóng (1) nên được phân làm cố vấn cho Khương Nhiên. Nếu không có chuyện ngoài ý muốn, nhiều sinh viên sẽ không chủ động hẹn gặp cố vấn. Khương Nhiên gặp bà xong thì thầm chán nản.
(1) Đại học khai phóng (Liberal Arts College) là một loại hình trường đại học nhấn mạnh đến việc dạy học ở bậc cử nhân trong các ngành khai phóng và khoa học. Một số ít trường đại học khai phóng còn có một số chương trình sau đại học cấp bằng thạc sĩ hay tiến sĩ trong các ngành như quản trị kinh doanh, điều dưỡng, y khoa, và luật. Một cơ sở giáo dục trong các ngành khai phóng có thể được định nghĩa là "một trường đại học hay một chương trình học ở một viện đại học nghiên cứu nhắm đến việc truyền đạt một vốn kiến thức rộng và phát triển những khả năng tri thức, khác với một chương trình học chuyên nghiệp, dạy nghề, hay kỹ thuật.
Trước đó, thấy họ của bà, cô còn mong là người Mexico hay Mỹ, xem tình hình này là cô không may rồi.
Kể cũng nực cười, cô không thích tiếp xúc với các giáo sư Châu Á, bởi họ còn khắt khe và không hiểu lý lẽ hơn giáo sư nước ngoài. Chuyện này cũng dễ hiểu, bởi đứng trước chính sách trường và hoàn cảnh xã hội khắc nghiệt, đại bộ phận người Châu Á càng phải tuân thủ phép quy tắc hơn.
Ví dụ như nữ giáo sư trước mặt cô đây trông có vẻ không tâm lý lắm, ít nhất thì nụ cười của bà rất quy cách.
"Em có thể gọi tôi là Betsy." Bà nói: "Em học khoa Văn Học Anh à?"
Khương Nhiên gật đầu, đành phải kiên trì: "Em đang nghĩ... đến chuyện xin thôi học."
Betsy ra hiệu cho cô ngồi xuống, sau đó đứng lên hỏi: "Em uống nước ấm không?"
Ồ nước ấm, Khương Nhiên ngẩn người, gật đầu khẽ: "Có ạ, thưa giáo sư."
Betsy lấy nước ấm cho cô, chớp mắt: "Dân ở đây không uống nước ấm, bọn họ không biết nước ấm tuyệt vời đến thế nào."
Có lẽ cũng không tệ đến vậy. Khương Nhiên nghĩ thầm, sau đó nở nụ cười rồi tiếp lời bà: "Đúng ạ, chỉ có trà và cà phê nóng, không có nước ấm."
Đối phương ngồi trên ghế, giọng vẫn lý tính như trươc, lại khiến người ta thấy yên tâm một cách khó hiểu: "Vì sao? Nếu em không thích khoa Văn Học Anh, học kỳ sau có thể xin chuyển khoa..."
Bà cúi đầu, liếc nhìn phiếu điểm của cô: "Thành tích của em rất tốt." Betsy cười: "Có thể là hơi võ đoán, nhưng chắc em cũng thấy văn học thú vị nhỉ?"
"Em thích, thích lắm ạ." Khương Nhiên cắn môi, không thể tự nhiên giãi bày khó khăn mình gặp với giáo sư Châu Á trước mặt, vì thế cô tìm một cái cớ: "Mẹ... mẹ em muốn sau này em quay lại Hồng Kông, giáo sư biết đấy, Hồng Kông ấy ạ. Có lẽ con gái học về kế toán hay gì đó sẽ tốt hơn."
Cô nói đến lời cuối thì ngày càng nhỏ giọng. Khương Nhiên nghĩ, vụng về quá đi mất, nếu vậy thì sao không chuyển khoa mà lại nghỉ học?
Rõ ràng là không trả nổi học phí chứ sao. Mấy năm trước, một nhà mấy miệng ăn bọn họ chạy trốn tới Hồng Kông đã tiêu tốn hơn nửa gia sản, vì vậy người nhà muốn cô chuyển sang cao đẳng cộng đồng (2), kiếm bừa một cái bằng rồi về làm công ăn lương.
(2) Ở Mỹ, trường cao đẳng cộng đồng (community college) đôi khi còn gọi là junior college, technical college, two-year college, hay city college) chủ yếu là các cơ sở giáo dục đại học công lập hệ hai năm cung cấp giáo dục đại học và những năm đầu của giáo dục sau trung học, cấp các chứng chỉ (certificates), diploma, bằng associate (bằng "cao đẳng").
Ánh mắt của Betsy rơi vào túi vải đứt quai của cô, Khương Nhiên nhạy cảm nhận ra mà đỏ bừng mặt, tai cũng bốc cháy, chỉ muốn đứng lên bỏ chạy.
"Ồ, tôi hiểu." Betsy cười thân thiện, cố tình chuyển chủ đề: "Lúc con gái lớn của tôi lên đại học, chồng tôi muốn con bé học nghiên cứu Đông Á (3)."
(3) Đông Á: các nước nằm ở phía Đông của Châu Á, gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Mông Cổ và Nhật Bản.
Bà nhớ lại điều gì rồi nở nụ cười: "Chồng tôi luôn hướng nó học văn hóa Phương Đông, luôn nghĩ rằng như vậy là tốt cho con bé." Bà chép miệng, nom có vẻ ranh mãnh: "Em biết đấy, gia đình Trung Quốc mà. Tôi lại đang làm việc ở đại học khai phóng."
Khương Nhiên ngẩng đầu, nghe bà tiếp: "Thế mà con bé học khảo cổ học đấy." Betsy uống một ngụm nước, nhướng mày: "Nghiên cứu chuyên sâu về Châu Phi."
Nét mặt của bà khiến người ta nhận thấy quyết định ấy khiến hai vợ chồng bàng hoàng đến mức nào. Khương Nhiên lại nghe Betsy nói: "Chồng tôi bảo Trung Quốc chưa đủ đồ cổ để con đào hay gì? Còn định sang tận Châu Phi đào nữa?"
Hai người cùng cười vang.
Trận cười qua đi, gương mặt Betsy vương lại đầy những dịu dàng: "Con bé thích thế đấy." Khương Nhiên thấy được yêu thương trên mặt bà, cô cũng chợt nhớ người mẹ ở nửa vòng trái đất bên kia của mình: "Nó thích lắm."
"Có lần chồng tôi thấy nó làm viễn thám (4) rồi hỏi..." Betsy nghiêm nghị, đanh mặt như chồng mình: "Con nghiên cứu khảo cổ mà? Sao lại cần những thứ này? Tưởng khảo cổ chỉ cần cái xẻng là thôi chứ?"
(4) Viễn thám (Remote sensing): là môn khoa học nghiên cứu việc đo đạc, thu thập thông tin về một đối tượng, sự vật bằng cách sử dụng thiết bị đo qua tác động một cách gián tiếp (ví dụ như qua các bước sóng ánh sáng) với đối tượng nghiên cứu.
Khương Nhiên bật cười, Betsy nhìn cô, trên mặt vẫn còn ý cười, giọng dần thong thả hơn: "Thế nên em xem, chúng tôi không hiểu gì cả."
"Là cha là mẹ, chúng tôi cũng sẽ đưa ra quyết định sai lầm vì không hiểu gì."
Betsy lấy một tờ giấy, đưa qua cho Khương Nhiên xem, thì ra là luận văn kỳ trước của cô: "Thế giới tươi đẹp này, chẳng phải là dành cho lớp trẻ khám phá hay sao?"
Mặt Khương Nhiên hơi đỏ lên, Betsy và cô cùng nhìn mục "Reference" của cô rồi nói: "Ít nhất em hợp với việc học chuyên sâu."
Không một ai có nghĩa vụ lắng nghe khó khăn trong cuộc sống của ai, cuối cùng Khương Nhiên cũng không tiết lộ khó xử của mình cho Betsy.
Nhưng Betsy lại khiến cô kiên định hơn, có lẽ cô nên cố gắng thêm chút nữa.
Tình hình ở nhà ngày một khó khăn, mẹ nói với cô rằng có người họ hàng xa, mấy chục năm trước đã chuyển tới Mỹ, móc nối mãi cũng liên hệ được và biết bây giờ người ấy đang ở Seattle.
Khương Nhiên ngồi trên xe buýt mà thấp thỏm không thôi.
Khương Nhiên nhớ khi còn nhỏ, bọn họ vẫn là một gia đình giàu có ở Tín Châu, có hầu gái và cả bà mụ. Một người dì của Khương Nhiên còn lấy chồng thuộc nhà quân phiệt lớn nhất ở phía Nam.
"Không phải lấy cậu út tai tiếng đâu." Khương Nhiên vẫn nhớ ánh mắt đắc ý của mẹ: "Mà lấy cậu cả kế thừa gia nghiệp cả nhà kìa."
Vào những năm hỗn chiến giữa quân phiệt, vớ bừa một tên ăn mày trên đường cũng có thể là cánh tay đắc lực của chính quyền trước. Khương Nhiên chỉ nhớ vật vã mãi mới qua được khoảng thời gian ấy, khó khăn đến mức cô phải đến cầu cứu người họ hàng xa chưa từng gặp mặt này.
Nếu giúp cô thanh toán được học phí, thì quả là không còn gì bằng.
Khương Nhiên thở dài, khi nhỏ được ăn sung mặc sướng quen rồi, bỗng chốc phải cúi đầu xin người ta, còn chưa kịp mài da mặt dày thêm đôi chút.
*
Nơi đây là một tòa nhà ba tầng, có vẻ thuộc khu dân cư sung túc, xung quanh có người da trắng dắt chó đi dạo. Khương Nhiên nín thở, nhấn chuông cửa.
Tim cô đập dồn dập, một lúc lâu sau vẫn không có tiếng động gì, cô bắt đầu cầu cho không có ai ở nhà, hoặc cô lấy nhầm địa chỉ. Lúc Khương Nhiên định nhấn thử chuông lần nữa, cửa đã mở ra.
Người đàn ông mở cửa đã có tuổi, tay chống ba-toong thẳng tắp, thậm chí còn loáng thoáng nhìn ra được vẻ rắn rỏi, mạnh mẽ khi còn trẻ của ông. Ông nhìn Khương Nhiên rồi cười hòa nhã: "Chắc cháu là Khương Nhiên nhỉ."
Khương Nhiên không nghĩ ông nhớ được mình, bèn cuống quýt gật đầu: "Vâng ạ."
Ông nghiêng người mời cô vào, vừa cười vừa nói: "Ta nhận được thư của mẹ cháu rồi, nhưng cũng không rõ vai vế thế nào." Ông đi trước dẫn Khương Nhiên vào phòng khách: "Cháu cứ gọi ta là chú đi."
Khương Nhiên theo sau ông, lại hỏi: "Chú ở đây một mình ạ?"
Người họ hàng xa kia bưng chén trà đến cho cô: "Không, con gái và vợ chú đều đi dạy ở đại học."
"Thế giới thay đổi rồi." Rõ ràng là ông đang phàn nàn, trên mặt lại toát lên vẻ đắc ý: "Bây giờ thành vợ nuôi chồng cơ đấy."
Bọn họ lại trò chuyện thêm chút nữa, đến khi nhắc tới Tín Châu, Khương Nhiên hơi lấy lòng nói: "Khi còn nhỏ cháu được tới đại học Tín Châu, hoa anh đào ở đó đẹp thật."
Người họ hàng xa kia hơi ngẩn ra: "Hoa anh đào gì cơ?"
Ông nghĩ rồi cảm khái: "Nhà chú đi sớm quá." Sau đó lại hừ một tiếng: "Nếu ở lại đó, chú cũng sẽ đi kháng Nhật."
Người có tuổi thường hay hoài niệm, ông kể cho Khương Nhiên rằng mình và vợ đã lên thuyền đi từ Tín Châu đến Thượng Hải thế nào, sau đó lênh đênh trên biển rất nhiều ngày mới cập bến Mỹ. Mỗi một ngày ấy từng mưa gió bão bùng biết bao nhiêu, qua lời kể của ông lại trở thành quá khứ lãng đãng như mây trôi.
Khương Nhiên nhấp một ngụm trà, vì quá căng thẳng nên đã uống gần cạn. Người đàn ông đứng lên, muốn rót thêm trà cho cô, Khương Nhiên vội đưa tay che chén và cảm ơn ông.
Cô đang rối rắm không biết phải mở miệng thế nào, người đàn ông chợt hỏi: "Mấy ngày trước chú nhờ người gửi tiền cho mẹ cháu, bà ấy đã nhận được chưa?"
Lúc này Khương Nhiên mới biết ông đã gửi tiền rồi, có lẽ thư của mẹ đang trên đường nên cô không biết, còn lỗ mãng tìm đến tận nơi. Khương Nhiên quẫn bách, vội vàng đặt chén trà xuống: "Cảm ơn chú nhiều lắm ạ."
Người đàn ông xua tay: "Họ hàng cả, nên giúp đỡ mà."
Ông nhận ra Khương Nhiên xấu hổ nên lại tiếp: "May mà cháu tới thăm..." Ông ngồi xuống: "Lâu lắm rồi mới được nghe giọng quê nhà, thích quá đi mất."
Khương Nhiên cảm kích nhìn ông, cuối cùng cũng dồn hết dũng khí nói: "Mẹ cháu bảo cháu xin thôi học, chuyển sang học cao đẳng cộng đồng."
Cô hít vào một hơi, nhớ tới lời khuyến khích của Betsy sáng nay: "Nhưng cháu rất thích khoa Văn Học Anh, cháu nghĩ mình có thể học chuyên sâu hơn."
Mặt cô đỏ lên, giọng dần run run: "Chú... cho cháu vay thêm chút tiền để học nốt được không ạ?" Xấu hổ đã lên đến đỉnh điểm, cô không biết phải nói tiếp thế nào, ngay cả giọng cũng như đi mượn: "Cháu nhất định sẽ gửi lại chú."
Cô vừa nói xong, người đàn ông cũng sửng sốt vì nghe được. Thực chất, ông chỉ hốt hoảng một lát, nhưng lại như dài một thế kỷ với Khương Nhiên.
Tiếp đến nghe ông nói: "À đương nhiên." Ông như lo cô không hiểu nên lại tiếp: "Không thành vấn đề."
Có lẽ lâu rồi không có cô gái nhỏ nào đỏ mặt, mắt sáng lên nói cảm ơn ông, người chú họ hàng xa chợt bối rối, đứng lên như chạy trốn: "Ôi, sắp đến giờ vợ chú về rồi."
Ông nhớ tới điều gì, lại nói: "Chú mới mua máy ép hoa quả, cháu muốn xem thử không?"
Khương Nhiên vội vàng đứng lên, theo ông vào bếp. Cô đánh mắt đã thấy bức ảnh cưới thời chú còn trẻ, nom thật oai hùng.
Cả người phụ nữ trong ảnh trông cũng quen mắt quá,
Ông ở trong bếp cầu cứu: "Chữ trong bản hướng dẫn này nhỏ quá, cháu tinh mắt đọc thử giúp chú nhé?"
Khương Nhiên nghĩ, năm tháng quả là kỳ điệu, người đàn ông phong ba trước đây giờ lại quanh quẩn bếp núc ở Seattle.
Cô vào bếp, thấy máy ép hoa quả đời mới nhất, khoảng thời gian trước từng xuất hiện vô số trên quảng cáo tivi. Hình như người đàn ông của gia đình này còn thường chạy theo mốt nữa.
Khương Nhiên đọc bản hướng dẫn, giúp ông lắp máy ép hoa quả hoàn chỉnh. Người đàn ông đã nạo vỏ cà rốt xong, còn nói: "Vợ chú về sẽ muốn uống nước ép, gần đây bà ấy nói phải giảm béo."
Ông tự liên miên một mình, như thể mãi mới tìm được người nói giọng Tín Châu, lại kiên nhẫn nghe ông kể những chuyện vặt vãnh: "Thật ra bà ấy có béo đâu. Cháu biết đấy, mấy người ở trường họ eo như thùng gỗ còn chẳng thèm giảm béo nữa kìa."
Ông vừa thái cà rốt thành khối, vừa nhờ Khương Nhiên đi lấy cam: "Lát cháu gặp bà ấy, đừng bảo là chú cho cà rốt vào nhé."
Ông nháy mắt với Khương Nhiên làm cô ngẩn ra, hẳn là vì vẻ ngoài thời trẻ cả ông vẫn còn chút tác dụng. Cô lại nghe ông nhỏ giọng nhắc đi nhắc lại: "Bà ấy không thích cà rốt, nhưng chú sẽ không nói là chú cho vào đâu."
Khương Nhiên muốn nói gì đó, cả hai bỗng nghe tiếng xoay ổ khóa.
Người đàn ông vui vẻ bỏ dao xuống, vừa cao giọng vừa nhanh chân ra ngoài, tác phong có hơi không hợp với tuổi của ông: "Tiêu Tiêu, bà về rồi đấy à?"
Chắc hẳn người phụ nữ bên ngoài đang thay giày, Khương Nhiên lại ngờ ngợ vì chất giọng ấy: "Có khách đến chơi à?"
Cô không nhớ người Hoa nào có giọng như vậy, vì thế cũng ra ngoài theo. Sau khi thấy người phụ nữ đang thay giày, Khương Nhiên kinh ngạc, mà đối phương cũng sửng sốt.
"Giáo sư Cận? Sao giáo sư lại ở đây ạ?"
Hoàn chính văn.
Tác giả: Cuối cùng bà đây cũng được viết ngoại truyện rồi, vui quớ đi.
Ngoại truyện về cuộc sống gia đình hạnh phúc của Betsy Cận và người chồng nội trợ của bả (?).
Cuối cùng cũng được viết về cục cưng Tuyết Triều của tôi nữa!!!
Ngoại truyện về cục cưng Tuyết Triều sẽ theo hướng nhẹ nhàng, ngọt ngào.
Má ơi, viết mấy chương cuối của Diễn Trò xong làm tôi cũng u ám theo.
Hẹn gặp lại các chị em ở ngoại truyện!
*
Trời đất, tí nữa thì quên mất chuyện quan trọng hơn.
Đừng hỏi tôi có học khoa Văn Học Anh ở Seattle không.
Không phải đâu!
【 HOÀN CHÍNH VĂN 】