Tới gần ngày thẩm vấn, báo chí đều chì chiết vị cựu quân phiệt trong tù kia là kẻ cầm đầu không quan tâm tới tính mạng của mấy chục ngàn dân thành Tín Châu, khiến bao người chết đói và bỏ mạng trong chiến tranh.
Mấy tờ báo lá cải đưa tin sĩ quan họ Nhan này khống chế toàn bộ thành Tín Châu, từ chối tước vũ khí đầu hàng ra sao, còn nói ngày bắt anh hao người hao sức thế nào, trách Nhan Trưng Bắc không thức thời, để cuộc chiến này kéo dài tới tận cuối Thu mới kết thúc.
Lúc cậu Tư bị bắt, có sĩ quan đến gặp, thì ra là bạn học cũ ở trường quân đội trước đây. Họ chỉ gặp nhau một lần nhưng vẫn có ấn tượng.
Khi ấy, Nhan Trưng Bắc cố thủ ở Xà Sơn, bên người chỉ có hơn một trăm lính thân cận. Người bạn học cũ kia cũng biết rõ lai lịch của anh, khi cậu Tư giao nộp vũ khí, anh ta không nhịn được mà nhiều lời: "Cậu xem cậu kìa, còn chưa tốt nghiệp trường quân đội mà dám liều mạng thế à?"
Súng trong tay cậu Tư đã bị tước mất, vẻ mặt của anh cũng hững hờ, còn lờ mờ thấy được vẻ cậu chủ ăn chơi trước đây: "Ồ, phục tùng mệnh lệnh là thiên chức của quân nhân."
Anh liếc vũ khí trong tay bạn học cũ, nhướng mày: "Các cậu có đãi ngộ tù binh không?" Nhan Trưng Bắc quay đầu nhìn lính của mình cũng bị tước vũ khí: "Bọn tôi đói mấy ngày nay rồi."
Tới lúc bị giam ở bộ tư lệnh tổng, anh đã không còn chút khí thế nào của một sĩ quan. Người dân bên ngoài hô hào muốn phán quyết anh ngay tại chỗ, cậu Tư đâu biết người dân giận sôi tới vậy, cũng không biết ăn ngon uống ngon chỉ được mấy ngày, thậm chí còn nói đùa đôi câu với quản ngục.
Bạn học cũ kia lại đến thăm anh: "Có vài lãnh đạo muốn bảo vệ cậu, cậu muốn đi theo đảng không?"
"Theo đảng rồi đánh ai?" Cậu Tư ngáp dài: "Lên phía Bắc đánh cha ruột tôi à?"
Anh nhích lại gần cửa ra vào, phơi mình dưới nắng ấm ngày Thu: "Tôi dám đi đấy, các cậu dám phái tôi đi không ấy chứ?"
Bạn học cũ giận lên, mắng anh: "Cậu nhìn xa được như thế từ sớm thì đã không lăn lộn trong vũng nước đục này, cũng không ra nông nỗi như ngày hôm nay."
Nhan Trưng Bắc nhếch miệng: "Trách ai bây giờ? Đâu thể trách tôi được."
"Năm đó mấy người bị đánh tan tác ở phía Nam, tôi có ngốc đâu, theo ai cũng phải dùng não." Anh lẩm bẩm, cười vô lại như thể không có gì quan trọng: "Sự đời khó lường mà."
Đến ngày thẩm vấn, sáng sớm Nhan Trưng Bắc đột nhiên được đưa ra khỏi ngục, ánh mặt trời quả là chói mắt.
Anh ngước mắt nhìn chim tước hót vang, biểu cảm chợt trở nên dịu dàng.
Chắc em ấy vẫn còn đang say giấc.
Anh bị quản ngục giải đến tòa án, chú chim kia vỗ cánh bay tới một cành cây khác. Nhan Trưng Bắc quay đầu liếc nhìn nó, lại bị binh lính sau lưng đẩy về phía trước.
"Đẩy gì mà đẩy." Giọng anh uể oải: "Sớm bảnh mắt ra, tôi còn chưa ăn sáng đây này."
Lúc này Tín Châu đã thành lập hội đồng thẩm lý và xét xử như Liên Xô, cậu Tư dỏng tai nghe hết tố cáo tội ác trong "Luận Kiện Nhân Dân" đến "Luận Kiện Quốc Gia". Mãi về sau, anh mới nhận ra mình mang tội gì.
Anh nghe rồi đứng ngẫm nghĩ, chẳng bù cho tay sai thân cận của Nhan Trưng Nam đứng bên cạnh cũng bị bắt làm tù binh, mỗi lần nghe tới một điều, mặt đều tái đi vài phần.
Người đọc bản thảo còn trẻ, có lẽ là lần đầu "ra trận" nên giọng hơi run, khi đọc đến "thảm sát đồng bào cách mạng" bỗng ấp úng, sau đó căng thẳng liếc những người xung quanh, chẳng may trông thấy kẻ "tội ác tày trời" kia. Cậu Tư lại cười chất phác với người này, như đang xoa dịu lo lắng của anh ta.
Thanh niên kia giật mình, hung dữ liếc xéo anh rồi đọc tiếp.
Nhan Trưng Bắc nghe thấy "trấn áp hoạt động cách mạng" thì ngáp một cái đầy nhàm chán.
Trận chiến này rất quan trọng với chính phủ mới. Đây là một lần thắng trọn vẹn và tiếp nối người trước, mở lối cho các sự kiện quan trọng phía sau. Song, đối với Nhan Trưng Bắc, anh ra trận với tư cách là con út nhà họ Nhan, có nhiệm vụ câu giờ cho cha đang bị thương nặng đủ thời gian chạy lên phía Bắc và cứu anh cả trong vụ tranh quyền đoạt lợi. Việc này không biến anh trở thành con tốt thí khi anh em tương tàn vì tác động bên ngoài, đã là một cái kết vẹn toàn rồi.
Thời thay thế đổi trong chớp mắt, chuyện cả nhà mãnh tướng thời xưa áp vào lúc này, sẽ trở thành tàn dư của thế phiệt phong kiến. Nhan Trưng Bắc thuộc phái chính trị bảo thủ, chắc chắn sẽ không lọt tai lối lập luận của đối phương. Anh nghe thêm mấy tội nữa mà không kiên nhẫn nổi, bắt đầu mất tập trung nhìn đèn chùm trên trần.
Đến khi thanh niên kia đọc xong, đã thấy trưởng quan phía trên nhỏ giọng rỉ tai với nhau. Âm thanh đó truyền đến chỗ Nhan Trưng Bắc chỉ loáng thoáng, mà anh cũng chẳng muốn nghe, vậy nên mới cúi đầu, tự nhủ chỉ là tiếng lũ bọ rù rì.
Trưởng quan kia lớn tiếng trách cứ như sợ anh ngồi không sẽ cô đơn. Cậu Tư dỏng tai lên nghe, hóa ra vẫn là mấy tội thanh niên kia từng nêu. Hẳn là sắp hạ màn, nên mới tổng kết như vậy.
Sau cùng, trưởng quan nghiêm nghị hỏi anh có thừa nhận tội của mình không, cậu Tư mới thôi bần thần, đối đầu với một loạt người ngồi nghiêm chỉnh phía xa.
Cậu Tư nghĩ rồi chậm rãi nói: "Trưởng quan, tôi cũng đọc sơ sơ về «Chủ Nghĩa Tam Dân» (1) rồi, tôi cũng khâm phục, nhưng tôi là quân nhân."
(1) Chủ nghĩa Tam Dân hay Tam Dân Chủ nghĩa là một cương lĩnh chính trị do Tôn Dật Tiên (Tôn Trung Sơn) đề xuất, với tinh thần biến Trung Quốc thành một quốc gia tự do, phồn vinh và hùng mạnh. Việc kế thừa và hiện thực ngày nay thể hiện rõ nhất trong tổ chức chính quyền của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Triết lý này cũng xuất hiện trong dòng đầu tiên của Quốc ca Trung Hoa Dân Quốc. Cương lĩnh (hay học thuyết) chính trị này bao gồm: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc.
Anh cười: "Ông nói không làm cách mạng là phản cách mạng. Vậy dân Trung Quốc hơn bốn mươi ngàn người, quân Cách Mạng các ông chỉ hơn hai mươi ngàn, há chỉ số còn lại đều phản cách mạng? Chưa chắc đã vậy đâu."
Anh còn muốn nói gì đó, lại bị cắt ngang. Có người chạy vào sảnh, đưa một tờ báo cho trưởng quan xem.
Mí mắt Nhan Trưng Bắc giật giật.
Khoảng mấy chục giây sau, trưởng quan vẫn dán mắt vào tờ báo, sau đó ngẩng đầu nhìn thẳng vào cậu Tư ở phía đối diện.
Không ai biết đã xảy ra chuyện gì, cho tới khi trưởng quan trầm giọng nói: "Chọn ngày phán lại."
Vào buổi sớm này, báo Bắc Kinh, báo Anh và Pháp đều đưa tin vài năm trước, tù binh họ Nhan ở Tín Châu dù ít dù nhiều cũng từng có liên hệ với hoạt động cách mạng.
Trong đó không thiếu những thêm mắm dặm muối của Lê Uyển, có điều trong vài năm đó, dưới chính sách độc đoán của Nhan Trưng Nam, cậu Tư nhà họ Nhan đã dùng thân phận cậu chủ ăn chơi của mình mà đưa đẩy cho đảng Cách Mạng rất nhiều.
Vì dụ như lần chuyển tới Thiều Quan này, anh đã châm chước nhiều cho hoạt động sách báo, thậm chí còn có dây mơ dễ má với mấy nhà buôn thuốc ở phía Nam.
Nhật báo «Adelaide» đưa tin, lấy tập san «Tulip» làm cơ sở, tuyên truyền cho văn hóa độc lập tự do của nữ giới tự do. Tập san trong khu vực Nhan Trưng Bắc quản lý đã mở xưởng in ấn, đảm bảo in ấn và phát hành trong thời kỳ quản chế văn hóa ở Tín Châu.
Chồng của chủ biên nổi tiếng của tập san «Tulip» – Jenny Ngô là phó bí thư tài chính của đảng Cách Mạng Trung Hoa. Nghe nói cổ đông lớn phía sau tạp chí Jenny Ngô dồn hết tâm huyết này chính là Nhan Trưng Bắc.
Báo «Trung – Tây Tín Châu» còn đưa ra bằng chứng xác thực hơn nhật báo «Adelaide» về bản in ấn của tập san «Tulip» có kèm dấu của cả Jenny Ngô và Nhan Trưng Bắc.
Jenny Ngô, một người phụ nữ nổi tiếng về dẫn đầu trong phong trào vận động, cũng là nhân vật quan trọng trong chính phủ mới ở Hồng Kông, lại có quan hệ mật thiết đến vậy với cậu Tư nhà họ Nhan.
Một quân phiệt từng thân cận với đảng Cách Mạng, giờ lại gánh tội phản cách mạng, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Hành động lần này của chính phủ mới có thể sẽ khiến cánh quan sát phía Bắc nghi vực.
Báo «Trung – Tây Tín Châu» còn đưa tin khi anh ở nhà họ Nhan, cũng không đồng tình với việc phản đối phong trào học sinh – sinh viên, nhiều lần áp dụng biện pháp trấn áp, tuy nhiên nội bộ nhà họ Nhan cũng phân hóa. Nhan Trưng Bắc từng quyên mấy ngàn tệ cho một học sinh nữ bình thường, từng miễn giảm học phí, mở cơ chế học bổng, khuyến khích con gái đi học, mở rộng cơ hội hành nghề dưới danh nghĩa của thương hội.
Có báo cảm thán, trước đây vị này bị đồn là cậu chủ ăn chơi trác tác, song lại thật sự có cống hiến với sự độc lập và tự do của nữ giới.
Ngay trong sáng hôm đó, nhà họ Cao đại diện cho quân Bắc Dương gửi điện tín, "mong Đảng quyết định đúng đắn, chớ làm ảnh hưởng tới tình cảm Nam – Bắc."
Sau khi tòa tuyên bố "chọn ngày phán lại" không lâu, từng cuốn tập san «Tulip» được đặt trên quầy bán hàng và trước cửa nhà dân có tiêu đề «Sĩ quan họ Nhan trong mắt nữ tác giả Thẩm Cảnh».
Cũng trong ngày này, điện thoại của tập san «Tulip» chưa từng ngơi nghỉ.
Cận Tiêu dựa vào ghế, nhìn bầu trời bên ngoài.
Cô biết đây là điện thoại Jenny Ngô gọi tới.
Jenny Ngô là quân tử, thành Tín Châu không giữ được, bà ấy vẫn giữ vị trí chủ biên tập san «Tulip» bản tiếng Trung cho cô là nhân, cũng là nghĩa.
Chỉ là, Cận Tiêu không được như vậy.
Cô không có khí khái của bậc quân tử, càng không có tiền vốn của quân tử.
Tới khi thấy một chú chim cất tiếng hót, toan bay sang cành khác, cô mới bắt điện thoại, nói khẽ: "Xin chào, tập san «Tulip» xin nghe."
Đối phương không ngờ cô đột nhiên lên tiếng nên sững ra chốc lát. Cận Tiêu kiên nhẫn gõ đầu ngón tay, đầu điện thoại bên kia mới truyền đến giọng ẩn nhẫn mà tức giận: "Cận Tiêu, tôi tín nhiệm cô, không phải để cô hủy tập san của tôi."
Cô chớp mắt.
Có lẽ Jenny Ngô tín nhiệm cô thật, hoặc ai mà biết, có khi bà ấy chỉ khinh thường, nghĩ rằng cô không gây nên được sóng gió gì, chi bằng cứ tận nghĩa quân tử, để lại tiếng thơm cho mình.
Dù sao cũng còn vài ngày nữa thôi, chỉ cần phán quyết xong, Jenny Ngô có thể danh chính ngôn thuận lấy lại cổ phần của mình trên pháp lý.
"Tôi thật lòng xin lỗi." Cận Tiêu ngẩng đầu, nhìn chú chim bay mỗi lúc một xa ngoài cửa sổ kia: "Trước khi thẩm vấn kết thúc, chồng tôi vẫn là cổ đông của tập san «Tulip»."
Cả hai im lặng một lúc, hồi lâu sau, đầu điện thoại bên kia truyền tới giọng mệt mỏi, vẫn kiềm chế như trước của Jenny Ngô: "Tôi cho là cô hiểu ý nghĩa của «Tulip»."
"Cô nghĩ chúng ta chỉ đăng truyện thôi sao? Đây chính là một con đường. Đã mấy ngàn năm rồi, không biết còn tồn tại con đường nào khác cho phụ nữ chúng ta vươn tới khoảng trời riêng hay không."
Bà ấy dừng lại, vừa tiếc nuối vừa xót xa: "Vậy mà cô lại hủy hoại nó."
Cận Tiêu mấp máy môi, tiếc là đối phương không nhìn thấy. Cô hít sâu, đối phương muốn nói lý với cô, vậy cô cũng sẽ nói lý: "Vậy cậu Tư thì sao? Như vậy là công bằng với cậu Tư sao? Anh ấy đã làm gì để phải gánh tội đó? Bà đồng ý bán cổ phần cho anh ấy, chẳng phải vì anh ấy cũng có ý ủng hộ bà sao?"
Lửa giận trong lòng Jenny Ngô bị cô nhen lên, giọng bà đanh hơn rất nhiều: "Cận Tiêu, tôi nhắc lại một lần nữa, «Tulip» không liên quan tới chính trị. Tôi cũng không muốn phí lời về những chuyện này với cô."
"Nó nhất định phải có liên quan tới chính trị." Cận Tiêu thở dài: "Lần làm chính trị, xoay chuyển lòng người này không thể giải quyết bằng một trận đánh được."
Cậu Tư từng nói, không có trận chiến nào nổ ra chỉ vì một tòa thành. Bởi phía sau tòa thành ấy là buôn bán, là giao thông, là quan hệ, là con người.
Vì thế, Lê Uyển giữ liên lạc với rất nhiều báo chí phương Tây, cũng nhờ vậy cô mới chắc chân được ở «Tulip» chỉ trong một thời gian ngắn. Tay chân của cậu Tư đã giúp cô loại trừ một nhóm biên tập và gây dựng được thế lực của mình.
Jenny Ngô không nên đánh giá thấp cô.
Trên pháp lý phương Tây, hai chữ "vợ chồng" nghĩa là người thân cận luôn sát cánh bên ta, là khi một người chẳng may gặp khó, người còn lại sẽ thừa tự mọi thế lực và ý chí của người kia mà bước tiếp con đường ấy.
Nếu bạn mở ấn bản «Tulip» vào cuối Thu từng xuất hiện khắp phố lớn nhỏ kia, mở tới trang thứ hai sẽ thấy bài phỏng vấn tác giả nữ đang nổi tiếng gần đây.
Bạn sẽ đọc được những dòng cảm thán của cô ấy về cậu chủ ngang ngược, vui buồn thất thường và bất chấp lý lẽ kia: "Anh ấy quả là một cổ đông kém cỏi tới cùng cực."
"Nhưng lại là một người chồng tốt."
Cũng vì thế mà anh xứng đáng, để một người khác nhảy vào nước sôi lửa bỏng vì mình.