Bác 2 suy tính trong đầu của mình rằng:
- Nơi để giam cầm và hạn chế một vị chánh thần như thành hoàng thì đó phải là nơi xấu. Tư, đi tìm hiểu ngay cho anh. Ở vùng này, có nơi nào đặc biệt xấu, chỉ mang lại điều ác, gây hại cho dân không?
- Dạ em đi ngay
Anh 3 Phát nhìn Khổ Qua vẫn chưa hiểu cho lắm thì vỗ vỗ vào đầu cậu rồi nói nhỏ:
- Miếu, đền cũng chia ra là nơi đó thờ ai. Trong lịch sử cũng không hiếm chuyện yêu tinh, tà thần, vì quậy phá dân chúng, tàn sát sinh linh tới nỗi không có ai chế ngự được mà dân tình buộc phải lập đền, hàng năm tiến cống để yên lòng. Ý của bác là có thể là thành hoàng đã bị giam vào nơi đó.
- Dạ, em biết rồi anh 3.
Chẳng đợi bao lâu thì Chú Tư chạy về, chú chạy tới nói ngay với anh 2 mình:
- Anh ơi, đã có tin rồi anh. Quả thực, đúng như lời anh dự đoán. Cách đây phía Nam, có 1 ngôi miếu nằm gần sông, năm xưa ở đó từng có nạn lật thuyền. Dân họ lập 1 cái miếu yên vị tại đó.
- Ừm, mình đi luôn. Không chần chừ nữa, mau lấy hết balo, đồ đạc chuẩn bị chiến đấu đi Tư.
- Dạ, em vác ngay, thằng út, thằng ba đi với chú luôn. Sắp ra chiến trường rồi đó.
- Dạ dạ
Hai đứa nhỏ lần đầu được ra chiến trường nên cực kỳ háo hức, đứa nào cũng hưng phấn, có hồi hộp, lo lắng, nhưng vẫn là kích thích. Cảm giác này quá khó tả, đặc biệt là Khổ Qua, cậu bé rất muốn chứng minh thực lực của mình để cho chú bác vui hơn. Chú Tư đi xuống dưới nhà, thì bác 2 đã bày sẵn 1 cái bàn nhỏ, trên bàn có 4 chai nước lọc nhỏ, 4 mảnh giấy cùng 4 ly rượu cùng 1 cái chén gạo, cùng với mấy cây hương thẻ. Bác dặn 2 đứa cháu:
- Trước khi ra chiến trường thì phải làm 1 cái này, khấn về cho chư vị tiên tổ trong tông tộc mình biết mà phù hộ, giúp sức cho cuộc chiến. Cầm lấy đi hai đứa.
Hai đứa nhỏ lẽo đẽo cầm nén hương ra trận đầu tiên trong cuộc đời, đứng cạnh chú bác. Bác 2 làm động tác dâng hương rồi kéo dài ra, xoay cổ tay đưa trước ngực đầy lễ nghi:
- Cửu thiên trùng địa, kính dâng lên chư vị tiên tổ, đạo sư khai pháp, 72 thiên chánh đẳng phúc thần, 36 địa ngạn đẳng hung thần, ... Đệ tử đời thứ 108, pháp hiệu là Vô Thượng, thành tựu cảnh giới đạo nhân. Đệ tử cùng với đệ thân sinh, cùng 2 ấu đệ ra trận đánh dẹp âm tà ở tại... Thân này dù đạo vẫn tiêu tan vẫn quyết chí thực thi chính nghĩa, đòi lại công đạo, giữ vững được cân bằng trật tự. Chiếu theo lời phát nguyện khi nhập môn của từng đệ tử. Dâng hương.
Từng cây hương được đưa lên cắm vào bát gạo, Chú Tư mở chai nước uống sạch 1 hơi, lấy ly rượu xoa tay rồi xoa vùng cổ, vùng mặt. Hai đứa nhỏ cũng làm theo, nhưng uống không hết thì phải làm sao, Chú Tư trực tiếp cầm lấy đổ hết lên đầu chúng:
- Ui da lạnh quá chú 4.
- Chịu khó đi.
Còn mảnh giấy thì Chú Tư phát cho 2 đứa rồi bảo:
- Viết họ tên, quê quán, người thân, tóm lại là thông tin gì hữu ích để người ta biết tới mình thì viết hết vào cho chú.
- Dạ, mà cái này để làm gì hả chú?
- Nói nhiều quá, bảo viết thì cứ viết.
Khổ Qua cầm cây bút chì cắm cúi viết những dòng chữ nguệch ngoạc lên giấy: "Con tên Nguyễn Tuyên Khổ Qua, sinh ngày, ... Có ba là, có mẹ là... Quê con ở, người thân con có ba mẹ, ông bà nội, chú bác, ông Thượng, 6 sư huynh, con thích ăn kẹo, thích xem hoạt hình, con nặng ..." Khổ Qua ngây thơ cứ viết vào kín gần hết tờ giấy mà không hề biết là mình đang viết di chúc đầu tiên của đời người. Mỗi cuộc hành pháp ra chiến trường thì đây là nghi thức chuẩn bị, nếu có tử trận thì tờ giấy được bỏ trong chai nước chính là thứ để người thân biết mà tìm tới, người đời biết có 1 người như vậy từng tồn tại trên cõi đời. Bác 2 thu lại hết 4 chai nước rỗng, bên trong nhét cuộn giấy gấp lại. Bác bảo Chú Tư giữ chúng rồi nói với tất cả:
- Chuyến đi lần này hung hiểm khó lường. Cho nên ta hy vọng từng người, dù lớn hay nhỏ đều phải có trách nhiệm. Thứ nhất bảo vệ, đùm bọc lẫn nhau, đi bao nhiêu người thì về bấy nhiêu người. Thứ 2 hoạn nạn tuyệt đối không quay đầu, bỏ rơi đồng đội. Ta rất ghét những kẻ như vậy. Thứ 3 là điều ta muốn nói là phải tin vào bản thân, tin vào năng lực mình có, và phải có niềm tin vào đồng đội. Đoàn kết và kỷ luật chính là sức mạnh của chúng ta. Rõ chưa?
- Dạ rõ – hai đứa nhỏ hô to dõng dạc, đầy khí chất hùng cường.
Bấy giờ bác 2, Chú Tư, cùng với 2 đứa cháu của mình sẽ trực tiếp đi vào hiểm địa, nơi đó chắc chắn có nguy hiểm. Họ là những thỏi vàng, hiểm địa là biển lửa. Lửa gặp vàng càng sáng càng đẹp, còn nếu là gỗ mục thì bị thiêu thành tro tàn.
Đoàn 4 người đi về phía Nam, đứng từ bờ sông này nhìn qua như đứng giữa không gian bao la rộng lớn. Con sông này đổ ra biển, mà đây lại là khúc cuối nên phóng tầm mắt rộng không biết bao nhiêu mà đếm. Muốn qua bên kia phải đi đò, lúc ngồi trên đò bác 2 nhìn thấy ở xa đang xây công trình, người lái đò cười và nói:
- Nhà nước, họ xây cầu cho dân đi qua sông. Tiện quá rồi, tôi ở đây thêm tới khi cầu xong thì chắc gác chèo về làm vườn.
Cảnh sông nước rộng lớn, tiếng sóng vỗ vào thuyền, mà trời cũng đang ngả dần về hoàng hôn. Bức tranh thiên nhiên đẹp tới nao lòng, ráng mây hồng cố nướng thêm chút sắc xanh cuối trời. Người lái đò hàng năm, không biết chở bao nhiêu người rốt cuộc cũng đã sắp được nghỉ ngơi. Hai đối tượng giao thoa về thời đại đã đứng với nhau. Người lái đò đã già, cây cầu đang xây phơi phới sức trẻ sẽ gánh vác trọng trách của ông. Người lái đò hỏi bác:
- Thế 2 chú với sắp nhỏ đi qua bên đây làm gì, mang nhiều đồ hửm, bộ đi thăm bà con hả?
- Dạ, tụi con đi thăm người quen thôi bác.
- Ui giời, tao chưa già kêu bác chi cực bây, kêu chú thôi nghe. Cầu xây còn lâu lắm mới thành, tao còn sức chở bà con lắm.
- Dạ, mà chú lái đò ở đây có biết miếu hàm không chú?
- Biết chứ sao không mày, hồi tao nhận cái thuyền, cái ghe từ ông già tao, là ổng dẫn tao ra ngoài đó vái tạ rồi, tháng nào mùng 1 với rằm mà chẳng ra ngoải thắp hương. Kể cũng may là tao được độ hay sao chứ ngày nào cũng khách đều đều, có tiền mua mắm mua thuốc hút.
- Dạ, chú sống 1 mình hả chú?
- Đâu, bà vợ tao đi lên phố trông cháu cho con tao rồi mày. Vợ chồng nó muốn rước tao lên cùng, mà thôi, tao nói thật, tao sinh ra ở đây, lớn lên cũng ở đây, giờ bảo tao bán đất, bán vườn lên trên phố sống hổng quen.
Bác cười rồi lấy 1 ít sợi thuốc với giấy quấn ra làm 1 điếu, người lái đò kêu lên:
- ấy chà, mày cũng biết cái món này nữa hả? Bộ tao cứ tưởng chỉ có tóc 2 lứa như tao mới dùng. Đâu, cho tao điếu với, thấy mày hút thèm quá.
- Dạ, đây chú
Hai người cười nói vui vẻ với nhau được 1 lúc thì cũng tới bến thuyền, bác rút tờ bạc 5 nghìn ra trả thì chú lái đò đút tờ đó vào trong túi, lui hui kiếm 1 nghìn trả lại. Bác bảo:
- Dạ, chú khỏi thối. Bọn con gửi chú hút thêm thuốc, dạ, cảm ơn chú nhiều.
- Khoan đã, tao trước giờ hông có nhận không à? Chờ tao chút.
Người lái đò quay lại thuyền rồi lấy từ dưới cái gạc thuyền lấy 2 cái nón lá đã cũ đưa cho bác:
- Mày cầm lấy, tao chuẩn bị có nón mới. Cái này cho mày đội cho hai đứa nhỏ, trời này coi bộ độc lắm, nắng mưa thất thường tội nó.
- Dạ. Thằng út thằng ba vòng tay cảm ơn ông đã rồi nhận nón nghe.
- Dạ, chúng con cảm ơn ông nhiều.
- Giỏi, ráng học giỏi lớn ba mẹ nhờ, khỏi làm chân tay cực nghe.
Vừa chào tạm biệt người lái đò thì đoàn 4 người hướng thẳng về miếu hàm. Sở dĩ nó có tên đó cũng chính là chữ Hàm, khúc sông này uốn cong nhìn như 1 cái hàm con cá sấu nên mới đặt là hàm, mà hồi chưa lập miếu cũng nhiều vụ bị cuốn, bị giật sóng mà úp thuyền nên lấy tên đó luôn.