Sau khi tôi và mẹ được đưa tới viện, các bác sĩ lập tức đẩy mẹ tôi vào phòng cấp cứu. Chị y tá nhìn vết trầy xước trên người tôi liền bảo:
- Em vào phòng kia đi, chị rửa vết thương sát khuẩn cho em, kẻo nhiễm trùng.
Thế nhưng giờ phút này tôi chẳng còn quan tâm được điều gì khác ngoài mẹ mình. Ánh mắt tôi dán chặt vào cánh cửa phòng cấp cứu, chừng nào mẹ tôi chưa ra thì tôi sẽ không đi đâu hết. Tôi đáp:
- Cảm ơn chị, nhưng không cần đâu, em muốn ngồi đây đợi mẹ em.
Nghe thấy tôi nói vậy chị y tá chỉ biết thở dài rồi bước đi. Tôi không nhớ mình đã ngồi trước cửa phòng cấp cứu bao nhiêu lâu, từng giây từng phút trôi qua cảm thấy dài vô tận. Hai bàn tay tôi nắm chặt vào nhau để khống chế nỗi sợ đang ngự trị trong cơ thể, lặng lẽ nhìn qua lớp cửa kính dày đặc, tôi không ngừng cầu nguyện. Tôi không dám tưởng tượng nếu như mẹ có chuyện gì bất trắc xảy ra thì tôi sẽ sống những tháng ngày tiếp theo thế nào nữa. Có lẽ nó sẽ không khác gì cái địa ngục trần gian.
Cuối cùng cánh cửa phòng cấp cứu cũng mở ra, tôi vội vã lao thẳng đến chỗ người bác sĩ, những bước chân loạng nhoạng sút chút nữa thì ngã nhào xuống đất, giọng gấp gáp hỏi:
- Bác sĩ... mẹ cháu sao rồi?
Người bác sĩ trung tuổi nhìn tôi, gương mặt có chút tái nhợt, trong giọng nói còn có chút run rẩy:
- Xin lỗi cháu, chúng tôi đã cố gắng hết sức nhưng không thể cứu được mẹ cháu. Mẹ cháu bị vỡ sọ gây đứt mạch máu não. Bệnh nhân đã qua đời vào lúc 9 giờ 45 phút.
Từng câu từng chữ được phát ra tựa như một nhát dao đâm thẳng vào yết hầu tôi khiến tôi không thở nổi. Tôi vẫn cố chấp lắc đầu không tin:
- Không... không thể nào. Bác sĩ đùa cháu đúng không?
Bác sĩ đôi mắt đượm buồn, giọng trầm xuống:
- Xin chia buồn cùng cháu và gia đình.
Khoảnh khắc bác sĩ bước đi giống như một người đến cướp linh hồn tôi đem đi mãi. Có lẽ vì không thể chấp nhận nổi sự thật nên tôi tự dối lòng mình tất cả chỉ là một giấc mơ. Kể cả là khi mẹ tôi được đẩy ra ngoài, cả người được che bằng một miếng vải màu trắng, tôi vẫn cố chấp nói rằng đây không phải mẹ mình, chỉ là một người giống mẹ mà thôi. Mỗi lần mẹ nhìn tôi, ánh mắt mẹ đều âu yếm lắm, tại sao giờ phút này mẹ lại cứ nhắm tịt mắt vào thế này. Còn nữa, da mẹ tôi trắng lắm, sao giờ lại xám xịt thế kia? Thần kinh tôi giống như bị rút đi từng sợi, đau đến nỗi tôi không thể đứng vững, loạng choạng ngã sụp xuống. Chị y tá thấy thế liền đỡ tôi dậy, chị bảo:
- Chị xin chia buồn cùng gia đình em. Chị biết em đang rất đau buồn nhưng giờ phút này em phải vững tâm để còn lo hậu sự cho mẹ.
Câu nói của chị như một nhát búa đập thẳng vào đầu tôi, bắt buộc tôi phải tỉnh táo. Tôi run run đưa tay sờ lên khuôn mặt mẹ, gò má ấy bình thường ấm ấp biết mấy mà giờ lại lạnh lẽo như băng. Từng giọt nước mắt tôi rơi xuống như mưa trút nước, trái tim tôi đau đớn như bị băm vằm thành trăm ngàn mảnh, đau đến mức không thở nổi. Tôi khóc nấc lên, tiếng khóc như xé cả không gian, xé cả thời gian, trong tiếng khóc là tiếng gọi đầy tuyệt vọng:
- Mẹ ơi... mẹ nói mẹ yêu con, mẹ thương con cơ mà. Mẹ yêu con, thương con vậy tại sao mẹ lại bỏ con đi như vậy mẹ ơi... từ nay con phải sống sao khi vắng mẹ, Bông sẽ như thế nào khi thiếu bà... Mẹ ơi!!!
Dù tôi có gào, có thét, có gọi, có nói gì đi chăng nữa thì mẹ vẫn nhắm chặt mắt không trả lời tôi. Hoá ra đây mới là tận cùng của đau khổ, hoá ra đây mới là tận cùng của bất lực, hoá ra đây mới là tận cùng của tuyệt vọng. Nhìn người mình yêu thương nhất rời đi ngay trước mặt mình, thế giới xung quanh bỗng trở nên như cái địa ngục trần gian.
11 giờ trưa mẹ tôi được đưa về nhà. Vì anh em họ hàng nhà tôi mỗi người một phương nên sau khi nhận được tin mẹ mất thì chỉ có mấy người ở gần đến cùng tôi lo hậu sự. Cái Nga và Trường cũng có mặt phụ giúp tôi, cái Nga nói đã thông báo trên mạng hi vọng bà Hoài sẽ thấy mà về. Nhưng đối với tôi, giờ phút này cái gì cũng chẳng còn quan trọng nữa, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi ngồi bên cạnh chiếc quan tài đặt thi thể mẹ, hai mắt trân trân nhìn lên di ảnh, nước mắt tự do tuôn rơi. Bức ảnh được mẹ chụp từ 8 năm trước, khi ấy mắt mẹ không nhiều nếp nhăn như bây giờ, chỉ có nụ cười hiền hoà và ánh mắt dịu dàng tồn tại mãi với thời gian.
Tôi khóc đến độ bây giờ cổ họng đã chẳng thể gào được nữa, chỉ có thể lí nhí nói trong miệng hai chữ " Mẹ ơi". Cái Nga ngồi bên cạnh tôi, thỉnh thoảng sốt ruột lại đưa tay lau những giọt nước mắt:
- An... mày cố gắng ăn cái gì đi, hay là uống cốc nước đường cũng được. Chứ mày cứ như vậy tao lo mày sẽ bị tụt đường huyết đó.
Rõ ràng tôi nghe rất rõ lời nó nói nhưng lại vô tri vô giác đến mức không muốn trả lời. Tiếng mọi người xung quanh bảo nhau:
- Khổ thân con bé, nhà có mấy mẹ con, mấy bà cháu nương tựa vào nhau. Giờ như thế này rồi thì sau này biết sống sao.
Thời gian trôi qua, ai làm gì, ai nói gì tôi cũng không biết nữa, mọi thứ trở nên vô hình. Tôi chỉ biết mình ngồi im bất động bên chiếc quan tài như một cái xác sống biết rơi nước mắt. 8 giờ sáng hôm sau mẹ tôi được đưa ra nghĩa địa chôn cất. Lúc đang tiến hành làm lễ thì chị Hoài về, vừa nhìn thấy tôi chị đã lao vào túm lấy cổ áo tôi gào như điên dại:
- Tại sao mẹ lại chết, tại sao hả, có phải là tại mày đúng không?
Nước mắt tôi ướt đẫm nhìn gương mặt bà Hoài mờ mờ trong màn nước mắt. Mấy người thấy vậy liền kéo bà Hoài ra khỏi người tôi. Tôi thấy vậy càng khóc như điên dại. Tất cả là tại tôi... tại tôi... nếu như mẹ không đỡ thay cho tôi thì người nằm trong cỗ quan tài lạnh lẽo kia là tôi rồi. Cổ họng tôi như bị xé toạc không thể nói lên lời. Cho đến khi chiếc quan tài từ từ được hạ xuống cái huyệt đã được đào sẵn, từng lớp đất hắt xuống che lấp đi chiếc quan tài. Lúc này tôi không thể kìm nén nổi nữa, như điên dại cào cấu xuống đất, chiếc áo tang trắng tôi mặc nhấm nhem nhuộm màu đất. Tôi gào khóc trong tuyệt vọng và đau đớn:
- Mẹ ơi... mẹ ơi!!!
Chôn xong, mọi người ra về hết rồi, tôi vẫn ngồi bên cạnh nấm mồ của mẹ. Bàn tay tôi đặt trên nấm mồ, cảm giác như đang chạm đến cơ thể mẹ. Có người từng nói khi con người ta đau khổ nhất thì trời sẽ tuôn mưa. Chẳng ngờ đó lại là sự thật. Nước mưa hoà cùng những giọt nước mắt của tôi thấm trong lòng đất. Cái Nga ngồi bên cạnh tôi, dường như không thể kiên nhẫn nhìn tôi tự hành hạ bản thân mình thế này được nữa, nó nằng nặc kéo tôi đi về nhà. Cả người tôi giờ đã kiệt sức, chẳng thể nào kháng cự được nó.
Sau tang lễ 3 ngày tôi vẫn thẫn thờ ngồi một chỗ. Tôi đưa đôi mắt ráo hoảnh nhìn căn nhà một lượt, vốn ấm áp mà nay thật lạnh lẽo, vốn tràn ngập tiếng cười mà giờ tràn đầy bi thương. Ba ngày nay tôi chỉ húp cháo để cầm cự hơi thở. Mỗi lúc nhìn di ảnh của mẹ, tôi lại đau như muốn chết đi sống lại, có thế nào cũng không cách nào chấp nhận nổi sự thật tàn khốc này. Cuối cùng đến ngày thứ tư tôi đã không thể chống đỡ được nữa mà ngất xỉu trước ban thờ mẹ.
Khi tôi tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên giường, trên tay là dây cắm ống truyền dịch. Giọng cái Nga vang lên:
- Mày tỉnh rồi à?
Giọng tôi khàn khàn gọi:
- Nga... tao...
- Tao cái gì, nói không chịu nghe, để kiệt sức ngất xỉu ra đó. Ví dụ tao mà không ở đây thì ai mà biết mày ngất. Có ngày...
- Có ngày chết không ai biết đúng không? ( tôi cắt ngang lời cái Nga nói)
Cái Nga lườm nhẹ tôi một cái, rồi giọng nó lắng xuống:
- An, tao biết mày đang rất khó chấp nhận sự thật mẹ mày đã ra đi, đến cả tao là người ngoài còn cảm thấy không tin nổi nữa là. Có điều người mất thì cũng đã mất rồi, có đau khổ thế nào đi nữa thì cũng không thể sống lại. Mày đừng như vậy nữa được không, hãy để mẹ mày ra đi được thanh thản.
- Nga... mày biết không, nếu không phải vì tao thì mẹ tao không có chết.
- Chính vì như vậy thì mày càng phải mạnh mẽ để sống tốt. Mẹ mày vì quá yêu thương và lo lắng cho mày nên mới làm vậy. Chết không phải là hết, mà chỉ là sống ở hai thế giới khác nhau mà thôi. Tao tin chắc rằng ở thế giới bên kia, mẹ mày cũng không muốn mày đau khổ như vậy. Rồi còn bé Bông nữa, con bé đã mất bà là quá đủ rồi, mày không lo cho con bé sao?
Lời cái Nga nói như một đòn bẩy khiến tôi phải thức tỉnh, mấy ngày qua vì quá chìm đắm trong đau khổ mà suýt chút nữa tôi đã quên mất rằng mình còn bé Bông. Tôi cất giọng đầy lo lắng hỏi:
- Con bé đâu rồi?
- Con bé đang ở bên cô Thuỷ hàng xóm. Mày yên tâm, mấy ngày qua con bé được cho ăn uống đầy đủ lắm. Mà phải rồi, bà Hoài cũng vừa đi rồi, thấy cô Thuỷ bảo nhìn thấy 1 người đàn ông đến đón ở đầu ngõ.
3 ngày qua chị Hoài ở đây, tôi và chị ta như nước với lửa không thể dung hoà, cả hai chẳng ai nói với ai câu nào. Số tiền phúng điếu của mẹ tôi chị ta cũng đã cầm đi hết. Tôi không phản đối, cũng không giữ lại, coi như đó là món quà cuối cùng của mẹ tặng cho chị ta.
Đêm đó không biết có phải vì tôi đã được tiêm mũi an thần hay là do cơ thể kiệt quệ nên tôi đã ngủ một giấc từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng mới tỉnh. Sau khi tỉnh dậy tôi thấy lòng mình cũng nhẹ nhàng hơn đôi chút. Bên ngoài, những tia nắng mới đang rung rinh nhảy múa trên cành cây, tôi tự nhủ từ nay sẽ mạnh mẽ hơn để lo cho Bông một cuộc sống thật tốt. Còn mẹ... mãi là tia nắng chiếu sáng cho cuộc đời tôi. Mẹ không ở cạnh tôi nhưng mãi ở trong tim tôi.
Thứ hai đầu tuần, cũng là tròn một tuần mẹ rời xa tôi. Sáng sớm tôi dậy nấu đồ ăn sáng cho Bông, cho con bé ăn uống xong, thắp cho mẹ nén nhang, tôi đóng cửa nhà chở con bé đến nhà cái Nga gửi rồi tự mình đi đến đồn công an. Tôi ngồi đối diện đồng chí công an còn rất trẻ, tôi bảo:
- Chào đồng chí công an. Tôi là Lý Hạ An, con gái bà Tô Thị Ngừng. Đồng chí cho tôi hỏi từ hôm đó đến giờ chưa có thông tin gì của người gây ra vụ tai nạn cho mẹ tôi sao?
Anh công an nhìn tôi vài giây rồi lên tiếng:
- Cô cho tôi hỏi từ trước đến nay, nhà mình có xích mích hay gây thù oán với ai không?
Câu hỏi này của anh công an khiến tôi hơi bất ngờ, không hiểu sao tự nhiên anh lại hỏi vậy. Tôi lắc đầu đáp:
- Dạ không ạ.
- Cô chắc chắn chứ? Thử cố nghĩ lại xem sao.
- Tôi chắc chắn. Từ trước đến nay nhà tôi với hàng xóm xung quanh rất hoà hợp. Mẹ con tôi ra ngoài cũng chẳng xích mích với ai. Nhưng mà tại sao anh lại hỏi vậy?
- Vì qua camera an ninh thì chúng tôi thấy người đâm mẹ con cô là hành vi có chủ đích. Người này đã ở đó quan sát liên tiếp 3 ngày nay rồi. Hôm hắn ta lái xe tông mẹ con cô đã chủ động che chắn biển số xe rất kỹ nên hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra được người này là ai. Nhưng cô yên tâm, chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm mỗi ngày, chắc chắn là sẽ sớm có thông tin thôi.
Lời anh công an nói không khỏi khiến tôi rùng mình. Nói với anh công an thêm vài câu thì tôi đứng dậy ra về. Trên đường, tôi nghĩ mãi, tôi không biết ai mà lại hận tôi đến thấu xương tủy như vậy, hận đến mức không muốn tôi còn tồn tại trên đời này. Nghĩ mãi tôi vẫn không thể nghi ngờ được ai. Khi về đến nhà, cái Nga hỏi tôi:
- Sao rồi, có tin tức gì không?
Tôi lắc đầu thở dài kể cho cái Nga nghe lời anh công an nói. Cái Nga nghe xong bàng hoàng không kém gì tôi, nó tròn xoe mắt kinh ngạc bảo:
- Rốt cuộc là ai nhỉ? Ai có thể làm ra chuyện mất nhân tính như vậy?
- Tao cũng không biết nữa, nghĩ mãi không ra rốt cuộc tao đã làm gì ai mà để họ ghét tao đến như vậy.
- Tính mày trước giờ luôn nhẫn nhịn, dĩ hoà vi quý cho xong chuyện thì làm đếch gì ai ghét thế. Chỉ trừ khi có đứa nào ghen ăn tức ở, đặc biệt là mấy con điên tình.
Cái Nga nói xong dường như nó lại nghĩ ra điều gì đó, nó nói lớn:
- Đúng rồi... liệu có phải là cái con vợ sắp cưới của Vũ không? Nó ghen với mày nên mới làm như vậy. Tao nghi lắm đó.
- Chắc không đâu, dù sao tao và Vũ cũng kết thúc rồi mà.
- Mày đừng chủ quan với mấy đứa bị người yêu phản bội, máu điên xông lên không biết sẽ làm ra được loại chuyện kinh tởm gì đâu. Theo kinh nghiệm xem phim và tận mắt thấy vài trường hợp thực tế ngoài đời. Tao nghĩ dễ là nó lắm.
Thực ra lời cái Nga nói không phải là không có lý, vì những trường hợp đánh ghen ngoài đời như tạt axit, đâm chém nhau nhiều không xuể. Nhưng mà tôi nghĩ ngày trước tôi và Vũ ở bên nhau cô ấy không làm vậy, bây giờ kết thúc rồi, có lý gì do gì cô ấy phải làm vậy cơ chứ. Huống hồ hai người còn sắp kết hôn. Tôi lắc đầu bảo:
- Thôi mọi chuyện có thế nào thì chờ công an. Chứ giờ mình nghi ngờ người ta, lỡ không phải người ta làm thì mình lại mang nghiệp.
- Ừ, tao biết rồi.
Một thời gian sau tôi vẫn không nhận được tin tức gì của công an. Dù sốt ruột nhưng ngoài chờ đợi ra tôi chẳng thể làm được gì khác. Tôi đã tìm được một trường mẫu giáo tốt để gửi Bông đi học. Là trường tư, hiệu trưởng là người quen của Trường nên tôi cũng khá là yên tâm. Trộm vía con bé đi học rất ngoan, nhanh làm quen được với các bạn mới. Bông đi học rồi nên tôi cũng bắt đầu đi tìm việc làm. Vì có con nhỏ, nhà giờ chỉ còn có hai mẹ con nên tôi phải xin việc làm theo giờ hành chính. Thế nhưng thời buổi này tìm việc phù hợp sao mà tôi cảm thấy khó khăn quá đỗi. Hôm nay, lại một công ty từ chối tôi vì tôi không thể đáp ứng yêu cầu làm tăng ca của họ. Tôi ngồi trước cổng trường mẫu giáo ngước nhìn bầu trời trong xanh, đợi đón Bông. Nhìn những ánh mây lững lờ trôi, trong đầu tôi mường tượng ra cảnh mẹ tôi đang ở trên đó theo dõi từng bước chân của tôi, bởi vậy tôi không cho phép mình gục ngã, không cho phép mình yếu đuối. Khi còn đang suy nghĩ vẩn vơ đột nhiên điện thoại tôi rung chuông lên cuộc gọi từ một số rất lạ, người ta bảo:
- Chào cô, cô có phải người nhà của Trần Ngọc Nga không?
Nghe đến đây tôi đã có cảm giác bất an liền đáp lại:
- Vâng, đúng rồi ạ.
- Vậy cô đến luôn bệnh viện Việt Đức nhé, bệnh nhân đang cấp cứu ở đây.
Nghe vậy tay chân tôi bất giác trở lên luống cuống, tôi đang định hỏi sơ qua tình hình thì đầu dây bên kia đã tắt máy. Nhìn xuống đồng hồ, cũng chỉ còn 15 phút nữa là Bông tan học. Cuối cùng tôi phải nhờ Trường tới đón Bông giúp tôi. Khi tôi đến thì cái Nga vẫn đang trong phòng cấp cứu. Đối với một người vừa trải qua nỗi đau mất người thân trước cửa phòng cấp cứu như tôi thực sự nó ám ảnh lắm. Tôi lòng dạ nóng như lửa đốt, tim đập chân run chờ đợi. Cũng may khoảng chừng 15 phút sau thì cánh cửa phòng cũng mở ra, bác sĩ nói cái Nga chỉ bị vết thương phần mềm, không có gì đáng ngại. Tôi vào trong phòng thấy nó vẫn đang nằm, vừa nhìn thấy tôi nó liền bật dậy, vẻ mặt tái mét, giọng nói gấp gáp gọi:
- An...
- Trời ạ mày đang bị thương đó, ngồi dậy từ từ thôi, làm tao lo muốn chết.
- An... tao... tao biết kẻ chủ mưu gây ra cái chết của mẹ mày là ai rồi.
Cả người tôi sững sờ tròn xoe mắt nhìn cái Nga, không biết nó vừa bị tai nạn xong nên có nhầm lẫn gì không. Tôi hỏi lại:
- Mày vừa nói gì?
- Tao biết người gây ra cái chết của mẹ mày rồi. Mày nhớ thằng Tiến làm ở bar không?
Thời gian làm ở bar ngắn, tôi cũng ít tiếp xúc với mọi người nên giờ cái Nga nhắc lại tôi cứ ngờ ngợ không nhớ ra ngay. Cái Nga nói tiếp:
- Cái thằng mặt rỗ ấy.
- À ừ, thì sao?
- Nó chính là thằng lái xe đâm mẹ mày. Nhưng nó không phải chủ mưu, người chủ mưu chính là con vợ sắp cưới của ông Vũ. Hôm nay chị quản lý gọi tao đến bar có việc, lúc đến tao thấy hai đứa nó nói chuyện với nhau. Tao nghe rõ thằng này đòi thêm tiền con này để bỏ trốn, nhưng con này không chịu vì người nó muốn đâm chết là mày chứ không phải mẹ mày. Lúc đó tao đã ghi âm lại, có điều trên đường về tao đã bị cướp mất túi xách. Thằng cướp nó không lấy gì ngoài cái điện thoại, là mày hiểu rõ mục đích là gì rồi đấy. Mẹ cái con khốn nạn đó, tí nữa thì mình có đầy đủ bằng chứng tố giác nó rồi.
Nghe cái Nga kể lại, cơn sóng căm phẫn tràn ngập khắp cơ thể tôi. Thật đáng kinh tởm! Uất ức một nỗi cái bằng chứng duy nhất cũng bị cô ta cướp đi rồi. Cái Nga nói tiếp:
- Hay là bây giờ tao với mày cứ thử đến đồn công an tố giác đi nhỉ. Mất vật chứng nhưng còn có tao là nhân chứng cơ mà.
Tôi biết để tố giác không vật chứng như vậy sẽ rất khó nhưng tôi vẫn muốn thử, tôi hỏi cái Nga:
- Nhưng mà vết thương của mày ổn không?
- Ôi giời tao không sao đâu. Việc kia quan trọng hơn.
Thế là tôi xin xuất viện cho cái Nga. Vì vết thương không nghiêm trọng nên bác sĩ liền đồng ý rồi kê cho một đơn thuốc về nhà tự mua. Từ bệnh viện trở về, chúng tôi đến thẳng đồn công an, cái Nga ngồi thuật lại mọi chuyện. Công an nói chúng tôi chưa đủ chứng cứ để có thể luận tội cô ta nhưng nếu muốn thì chúng tôi có thể làm đơn kiện. Anh công an còn khuyên chúng tôi nếu muốn kiện thì phải suy nghĩ kỹ, vì nếu không đủ căn cứ cô ta có thể kiện ngược lại chúng tôi tội vu khống.
Tối đó tôi về làm đơn, vừa viết đơn vừa nhìn di ảnh mẹ, con tim tôi đau như chết đi sống lại. Nếu như có một điều ước, tôi ước đừng cho tôi gặp Vũ thì bi kịch đã không xảy ra như thế này. Nghĩ đến đây tôi bất giác thấy má mình ướt đẫm. Đưa tay lên quệt, nhưng càng quệt lại càng thấy nước mắt rơi nhiều hơn, rơi nhiều đến mức tôi tưởng chừng sắp cạn khô cả tuyến lệ.
Sau khi tôi gửi đơn tố cáo thì ngay lập tức cô ta có giấy triệu tập tạm giam để điều tra. Thế nhưng, niềm hi vọng ít ỏi giữa bầu trời đen kịt vừa thắp sáng chưa được bao lâu thì liền bị vụt tắt khi tôi nhận được tin đã có người bảo lãnh cô ta tại ngoại. Và nghe bảo người đó chính là Vũ. Lúc ấy tôi cảm thấy máu toàn thân như chảy ngược, một cảm giác lạnh lẽo dọc theo đầu ngón tay nhanh chóng lan tỏa khắp người, rồi sau đó lan tỏa tới từng chân tơ kẽ tóc. Uất ức và đau đớn bủa vây, tôi không kìm nén nổi, giống như một con thú bị bức vào đường cùng, tôi đã đi tìm gặp Vũ.
Tôi cũng không biết chính xác anh đang ở đâu, chỉ là đi theo linh cảm mách bảo, tôi tìm về chung cư nơi chúng tôi từng ở. Nói đúng hơn ngoài nơi đó ra tôi không biết tìm anh ở đâu.
Đứng trước cửa nhà, tôi chần chừ một lúc, bàn tay run run thử bấm mật mã nhà. Không ngờ, Vũ vẫn để mật mã đó, chắc có lẽ anh bận quá quên mất việc phải thay đổi. Cánh cửa phòng mở ra, bên trong căn nhà, mọi sắp xếp vẫn như cái ngày tôi ở đây. Thậm chí cái bình hoa giữa bàn vẫn không hề dịch chuyển, hay mấy chậu đồng tiền tôi từng trồng ngoài ban công vẫn rất xanh tốt, cho thấy hằng ngày phải có người qua lại tưới nước. Tôi đứng một lúc lâu chìm đắm trong hồi tưởng. Không thấy Vũ, tôi định xoay người ra về thì bỗng một giọng nói phía sau vang lên khiến tôi giật mình:
- Cô đến đây làm gì?
Tôi ngước mắt lên nhìn, thấy Vũ đang ở trước mặt. Rõ ràng vừa nãy trước khi đến đây thì hùng hổ như thế, nhưng sao khi gặp anh, cổ họng tôi lại nghẹn đắng thế này. Mất vài phút sau tôi mới có thể lên tiếng:
- Tôi đến tìm sự công bằng.
Vũ nhíu mày nhìn tôi, thái độ như không hiểu gì cả, anh nhắc lại hai từ:
- Công bằng???
- Phải. Tôi đến đòi lại sự công bằng. Tôi hỏi anh, tại sao anh lại giúp cô ta tại ngoại. Hay là vì cô ta là vợ sắp cưới của anh nên anh không cần biết cô ta đúng hay sai. Anh có biết... cô ta... đã hại chết mẹ tôi rồi không ( nói đến đây tôi không kìm nén được, vừa khóc vừa gào lên)
Ánh mắt Vũ đầy mơ hồ nhìn tôi, không biết là có phải tôi đang đau quá nên hoa mắt không mà tôi thấy trong mắt anh như kiểu đang không hiểu tôi nói gì cả. Nhưng rất nhanh anh lại khôi phục dáng vẻ lạnh lùng của mình mà đáp:
- Có bằng cô không? Cô còn hủy hoại chính giọt máu của mình cơ mà.